Phát biểu tại “Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”, ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam đánh giá, hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết về chuyển dịch năng lượng, với tham vọng và mục tiêu rõ răng về phát triển bền vững để chuyển dịch từ cơ cầu năng lượng chủ yếu dựa vào than đá sang năng lượng tái tạo.
Theo đó công suất nhiệt điện than dự kiến đạt đỉnh vào năm 2030 và sau đó giảm dần về 0 trong giai đoạn 2030-2050. Dự kiến năng lượng tái tạo sẽ chiếm phần lớn, 31% và 62% trong tổng năng lượng vào năm 2030 và 2050.
Chuỗi cung ứng của nguồn cung năng lượng có sự thay đổi. Mặc dù chuỗi cung ứng vẫn dựa vào nhập khẩu, nhưng chuỗi cung ứng trong nước sẽ ngày càng được củng cố để đáp ứng được nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng.
Cụ thể, ông Goyal cho biết, mặc dù ở Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc các tua bin gió vẫn đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu.
"Tuy nhiên khi nhu cầu năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ, cơ hội đang trở nên rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng", ông Goyal nói.
Theo ông Goyal, việc dịch chuyển năng lượng sẽ tác động trực tiếp và mang đến nhiều cơ hội cho các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. Với các nhà phát triển dịch vụ và cung cấp công nghệ, có những cơ hội đáng kể khi có thể đưa ra các giải pháp năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực mới; cũng như sự phối hợp với các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm và dịch vụ mới.
Đồng thời, sự dịch chuyển sang năng lượng tái tạo cũng mang đến cơ hội cho các nhà cung cấp và các đơn vị tham gia vào thị trường khi có các dịch vụ mới được phát triển, từ đó tạo nguồn doanh thu mới, giảm chi phí năng lượng và cải thiện thương hiệu.
Tuy nhiên, ông Goyal chỉ ra, có một số thách thức đáng kể do việc dịch chuyển này mang lại. Cụ thể, những hạn chế về mặt tài chính sẽ hạn chế các dự án lớn mở rộng quy mô. Cũng như sự không chắc chắn về một số quy định gây gián đoạn chuỗi cung ứng, hoặc biến động chi phí nguyên vật liệu có thể dẫn đến các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.
Khi nhìn vào chuỗi cung ứng linh kiện của ngành năng lượng tái tạo, gần 90% nguồn cung của các dự án được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Đây cũng là cơ hội mới để Việt Nam tăng cường sản xuất và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng linh kiện này.
Do đó, bằng cách tận dụng các giải pháp tài chính sáng tạo và đơn giản hóa quy trình phê duyệt, ông Goyal cho rằng, Việt Nam có thể thu hút nhiều vốn đầu tư hơn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn.
Khi nhìn vào Quy hoạch điện VIII, có thể thấy sự tiến bộ đáng kể trong chính sách của Việt Nam, cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng, thông qua việc thành lập các trung tâm dịch vụ và công nghiệp tái tạo liên vùng.
Ông Goyal lưu ý, để thúc đẩy hơn nữa chuỗi cung ứng dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam, cần giải quyết các thách thức về tài chính như đa dạng hóa các sản phẩm tài chính để phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, tài chính hỗn hợp và các cơ chế tài chính khí hậu mới.
Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách năng lực trong chuỗi cung ứng địa phương thông qua việc thúc đẩy liên doanh và chuyển giao công nghệ, kiến thức giữa các công ty trong nước và các công ty nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất, linh kiện năng lượng tái tạo. Đồng thời cung cấp các ưu đãi cho các doanh nghiệp địa phương đầu tư, phát triển năng lực R&D...
Cuối cùng, ông Goyal cho rằng cần cải thiện các nút thắt về quy định, bao gồm đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư; thu hút các bên liên quan và cộng đồng địa phương tham gia vào việc xây dựng các quy định để giải quyết mối quan tâm của họ; xây dựng cơ chế đặc biệt để thí điểm các dự án đổi mới sáng tạo ở quy mô hợp lý để nâng cao năng lực quốc gia trước khi nhân rộng sang các dự án thương mại.