Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại Nghị quyết 88/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) như: tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia...

Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền mạnh mẽ và thường xuyên tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và trật tự an toàn xã hội; nguy cơ gây tai nạn do lái xe do uống rượu, bia; hậu quả tai nạn giao thông nguyên nhân từ rượu, bia.
 
Đưa nội dung tuyên truyền vào hoạt động của tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở. Đồng loạt mở chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ trong Tháng An toàn giao thông hàng năm và duy trì thường xuyên hoạt động tuyên truyền này. Tích cực hưởng ứng hoạt động "phòng, chống người lái xe uống rượu, bia" trong chương trình "Thập kỷ hành động vì An toàn giao thông đường bộ 2011-2020" của Liên Hợp Quốc.

Tổ chức các đợt cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia

Chính phủ yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân viên gương mẫu không uống rượu, bia trước khi lái xe; đồng thời, ban hành quy định của cơ quan, đơn vị về không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ chưa; xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.

Bộ Công an huy động lực lượng, tăng cường trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, tổ chức các đợt hoạt động cao điểm kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, ban hành trong quý IV/2011.

Cũng trong quý IV/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện quảng cáo, yêu cầu khi quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và  nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Không để học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe môtô, xe gắn máy

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy; tuyên truyền, giáo dục, vận động người lớn tự giác đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông, sử dụng mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng, cài quai đúng quy cách; giáo dục thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi không điều khiển xe môtô, xe gắn máy.

Bộ Công an huy động các lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, công an xã tăng cường phối hợp kiểm tra phát hiện và xử phạt nghiêm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe môtô, xe gắn máy.

Bộ Công Thương có biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, buôn bán loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm không bảo đảm quy chuẩn, chất lượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án đưa giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT vào chương trình chính khóa trong các cấp học; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông trong từng cấp học từ năm học 2012.

Tăng cường quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải tăng cường các biện pháp xử lý ngay tại bến xe, cương quyết không cho xuất bến đối với xe ôtô không bảo đảm các quy định liên quan đến phương tiện, người điều khiển (đặc biệt là đối với xe ôtô mà người lái xe sử dụng rượu, bia); chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải tăng cường giám sát các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe ô tô.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ thường xuyên rà soát để phát hiện và xử lý kịp thời các "điểm đen" về tai nạn giao thông trên đường bộ, cương quyết không để phát sinh theo điểm đấu nối trái phép vào đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2012.

Ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT

Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, trình Chính phủ trong quý IV/2012.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng lộ trình quy định xử phạt qua tài khoản ngân hàng, thời gian chủ sở hữu xe ôtô phải mở tài khoản ở ngân hàng và đề xuất rút gọn các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT, ban hành trong quý I/2012.

Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa của tổ chức, cá nhân liên quan; đình chỉ hoạt động của các cảng, bến và phương tiện thủy nội địa chưa đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn, thoát hiểm.

Đồng thời rà soát và quy định về vận tải hành khách bằng tàu khách cao tốc trên các tuyến đường thủy nội địa, tuyến ven biển, tuyến từ bờ ra đảo và tuyến nối giữa các đảo, ban hành trong quý I/2012.

UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua chủ động phối hợp với Đường sắt Việt Nam cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép, chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép. Trong thời gian chờ xóa bỏ, UBND các tỉnh, thành phố phải bố trí người cảnh giới tại các vị trí đường ngang có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.