Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các hình thức xử phạt đối với những trường ĐH có sai phạm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong năm 2009, Bộ GD&ĐT đã dừng tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp đối với trường ĐH Hùng Vương vì chưa đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo.

KTĐT - Trong năm 2009, Bộ GD&ĐT đã dừng tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp đối với trường ĐH Hùng Vương vì chưa đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết đến sau 15/12/2009, sẽ công bố chính xác về tình trạng hiện nay của các trường ĐH,CĐ. Theo đó, Bộ đã thông tin một số trường đại học có sai phạm, thiếu sót điển hình mà qua thanh tra đã phát hiện.

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT cũng đến 15/12/ 2009 tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước phải thực hiện “3 công khai”, trong đó có công khai về nguồn lực của nhà trường (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, giáo trình, thư viện...), nếu trường nào không thực hiện sẽ dừng tuyển sinh năm học tới.

Về 12 trường đại học được thành lập từ sau năm 2005 trở lại đây, qua kiểm tra năm 2007 - 2008 chưa thực hiện đầy đủ các cam kết về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác khi đi vào hoạt động. Bộ đã thông tin một số trường đại học đã sai phạm, thiếu sót điển hình phát hiện qua kiểm tra vừa qua như trường Đại học Công nghệ Thông tin Gia Định, TP.HCM đã thành lập và tổ chức tuyển sinh, đào tạo đã nhiều năm nhưng 100% cơ sở vật chất phải thuê mướn, chưa khởi công xây dựng cơ sở vật chất của mình như đã cam kết; Trường Đại học Đại Nam, Hà Nội, chương trình đào tạo xây dựng còn sơ sài, một số môn học chưa xây dựng đề cương chi tiết và tổ chức phê duyệt như quy định; trường Đại học Phan Châu Trinh, Quảng Nam đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa chưa đảm bảo trình độ như quy định.

Được biết, năm 2009, Bộ đã dừng tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp đối với trường Đại học Hùng Vương vì chưa đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo; xử phạt vi phạm hành chính, trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm sau đối với trường Đại học Văn Hiến vì tiếp tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2009 tới 60%; đối với trường đại học Phan Thiết và trường cao đẳng Công nghệ Bắc Hà đang hoàn thiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính do sai phạm trong tuyển sinh.

Với các trường này, nếu kiểm tra đợt tới vẫn còn sai phạm, Bộ sẽ xử lý theo quy định. Theo đó có 5 mức xử lý như sau:

- Xử phạt hành chính đối với những trường vi phạm hành chính trong công tác tuyển sinh (tuyển vượt chỉ tiêu đã xác định).

- Thu hồi quyết định mở ngành: Các trường không thực hiện đúng cam kết mở ngành, không đảm bảo đủ các điều kiện quy định: đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm, ...) phải dừng tuyển sinh của ngành và tiến tới thu hồi Quyết định mở ngành.

- Dừng tuyển sinh: Trường hợp nếu quy mô đào tạo lớn hơn năng lực thực hiện, có thể không vượt quá chỉ tiêu, nhưng trong quá trình đào tạo có sự thay đổi về đội ngũ và làm giảm khả năng đảm bảo chất lượng thì trừ vào chỉ tiêu của năm tiếp sau và thông báo cho cơ sở đào tạo củng cố năng lực. Nếu năm tiếp sau vẫn chưa có đáp ứng phù hợp thì dừng tuyển sinh của năm tiếp theo.

- Thu hồi quyết định thành lập trường: Sau 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập trường, nếu trường không chuẩn bị đủ các điều kiện để đi vào hoạt động như mở ngành đào tạo, tuyển sinh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi quyết định thành lập trường.

- Huỷ bỏ Giấy chứng nhận đầu tư: Sau ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nếu Ban quản lý dự án không thực hiện được kế hoạch như đã đề ra trong dự án đầu tư về chuẩn bị đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị, huy động vốn đầu tư, đề nghị cấp đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất .... thì UBND tỉnh/thành phố sẽ xem xét việc huỷ bỏ Giấy chứng nhận đầu tư.