Kinhtedothi - Theo lộ trình quản lý của ngành văn hóa, năm 2015 sẽ có một loạt đơn vị nghệ thuật quốc gia bị cắt giảm nguồn kinh phí của Nhà nước, để hướng đến hình thức hoạt động tự hạch toán thu - chi vào năm 2017. Quyết định này như một "cú sốc" có chuẩn bị dành các nhà hát quen với "bầu sữa" bao cấp từ Nhà nước. Mặc dù đã gần kề ngày thực hiện, nhưng nhiều đơn vị vẫn loay hoay cho việc"tự bơi".
Cú hích cho nghệ thuật
Khi chương trình "Mùa thu cho em" với sự xuất hiện của 3 "ngôi sao" trẻ hàng đầu Việt Nam là Tùng Dương, Hoàng Quyên, Trúc Nhân được Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam "đỡ đầu" ra mắt, giới làm nhạc đều tỏ ra bất ngờ. Bởi lâu nay, chương trình do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức thường với mục đích phục vụ bà con các tỉnh, thành, biểu diễn kỷ niệm những ngày lễ lớn hoặc để tham gia hội diễn… Thế nhưng lần này lại khác, Giám đốc Nguyễn Quang Vinh tất tả mời cộng sự xây dựng chương trình để bán vé tạo doanh thu. Ngày diễn ra chương trình, không còn ngồi hàng ghế đầu ung dung thưởng thức như mọi khi, người đứng đầu đơn vị nghệ thuật quốc gia nép mình ngoài hành lang, chăm chú "đo" sở thích của khán giả. Bởi chỉ vì nỗi lo cho chương trình "thử lửa" với thị trường đầu tiên của Nhà hát, hướng đến "cuộc chơi" dài hơi gặp sự cố, bởi từ năm 2015, nhà hát này chính thức tự hạch toán thu chi.
Bên cạnh Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, những đơn vị nghệ thuật nằm trong lộ trình cắt giảm nguồn kinh phí Nhà nước cấp lần này như: Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, từ lâu đã khởi động rất nhiều chương trình bán vé như: Hoa cúc vàng, Đêm nhạc Trịnh Công Sơn, Ao làng, Ông hóng cô hớt… NSND Trần Bình, NSƯT Chí Trung… - những người "cầm trịch" của đơn vị nghệ thuật, không nề hà chạy quảng cáo cho các buổi diễn. Mục đích cuối cùng cũng chỉ để đưa nghệ sĩ vào với cuộc xã hội hóa các nhà hát.
Sân khấu lại chông chênh?
Nhiều vở diễn, chương trình hướng đến xã hội hóa là vậy, nhưng cũng khó đo được chính xác hiệu quả. Hai năm vật lộn với thị trường, tạo ra đủ món hài kịch mời chào khán giả, nhưng Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ vẫn khẳng định thu không đủ chi. Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng vậy: "Mùa thu vàng" mới chỉ dừng lại ở mức thử sức. Họ cũng hiểu, Tùng Dương hay Trúc Nhân, rồi Hoàng Quyên cho lựa chọn của một chương trình, rõ ràng không phải dễ "hút khách" ở thời điểm này. Có vẻ như, sự biến đổi tên gọi một số bộ phận để phù hợp với thị trường của nhà hát không giúp họ thay đổi tư duy làm nghệ thuật hướng đến khán giả. Bấy lâu nay, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam được xem là đơn vị nghệ thuật "tự bơi" khỏe nhất, nhưng nếu không có thế mạnh nằm ngay cạnh Hồ Gươm để lập nên "Không gian văn hóa Việt" - chuỗi quán bar - cà phê, khu ẩm thực, phòng trưng bày, thì cũng dễ rơi vào vòng khó khăn như các nhà hát khác.
Tương lai không xa, hầu hết các đơn vị nghệ thuật chắc chắn sẽ không còn nguồn kinh phí của Nhà nước. Theo danh sách của Bộ VHTT&DL, năm 2015, ngoài Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chính thức chuyển sang giai đoạn hết bao cấp, 4 đơn vị khác là Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh cũng nằm trong lộ trình "cắt giảm dần dần" từ nay đến năm 2017. Đứng trước lộ trình mới, các đơn vị đều chung nỗi băn khoăn: "Chẳng lẽ để tự tồn tại, Nhà hát Tuổi trẻ khi ấy sẽ chỉ quanh năm diễn hài kịch? Tôi cũng có nghe tới cơ chế đặt hàng, nghĩa là các nhà hát sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và "đầu ra" cho những vở diễn cần thiết. Nhưng thú thật chưa có gì đảm bảo rằng kế hoạch "đặt hàng" ấy sẽ có lộ trình, có yêu cầu cụ thể trong tương lai" - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho biết.
Rõ ràng, đứng trước quy định mới của ngành văn hóa, các đơn vị nghệ thuật đều chông chênh với nỗi lo: Sân khấu với những vở chính kịch sẽ mất đi, mảng đề tài mang tính nghệ thuật lớn sẽ giảm dần. Và sân khấu phía Bắc lại đứt mạch biểu diễn. Như lý giải của TS Nguyễn Thị Minh Thái: "Mất người xem đang là căn bệnh kinh niên khiến tình thế sân khấu hôm nay chông chênh. Người làm quản lý và khán giả đã quá quen với hình thức bao cấp. Cứ như thế này thì sân khấu Hà Nội còn thất mùa dài dài". Chính vì vậy, người làm quản lý cần một cú hích, dù phải mất thời gian để loay hoay tìm hướng. Mục đích xã hội hóa các nhà hát nghệ thuật phía Bắc có thể chưa có ngay kết quả, song sự chuẩn bị của năm 2015 sẽ là tiền đề cho các năm sau.
Một cảnh trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Tuổi trẻ.
|