Áp lực kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nên xem xét áp lệnh cấm vận vũ khí đối với Ả Rập Saudi ngày càng tăng sau khi Đức, Áo và Nghị viện châu Âu chính thức kêu gọi chấm dứt bán vũ khí cho Vương quốc Hồi giáo sau cái chết gây tranh cãi của nhà báo Khashoggi.
Trước đó, ngày 25/10, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc về vấn đề này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này ngừng xuất khẩu vũ khí sang Ả Rập Saudi cho tới khi nguyên nhân cái chết của nhà báo Khashoggi được làm rõ. |
Tuy nhiên, việc xem xét áp lệnh cấm vận vũ khí với Ả Rập Saudi đang gây chia rẽ trong chính sách đối ngoại của khối, cũng như giữa các cường quốc của EU vì tác động trực tiếp đến những lợi ích kinh tế và chính trị của các quốc gia này. Hiện Đức và Pháp đang tranh cãi gay gắt về vấn đề mua bán vũ khí với Ả Rập Saudi.
Thủ tướng Angela Merkel hôm 26/10 tuyên bố Đức ngừng xuất khẩu vũ khí sang quốc gia Trung Đông này cho tới khi nguyên nhân cái chết của nhà báo Khashoggi tại Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) được làm rõ. Berlin đồng thời mong muốn các nước thành viên EU có hành động tương tự nước này.
Ủng hộ quan điểm của Đức, Ngoại trưởng Áo (nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU), bà Karin Kneissl đánh giá: "Việc đình chỉ xuất khẩu vũ khí mà Thủ tướng Angela Merkel đề xuất là một hiệu lệnh chuẩn xác". Hiện trong EU, Pháp và Anh là những quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất cho Riyadh.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại phản đối lập trường của Thủ tướng Merkel về xuất khẩu vũ khí, gọi đó là một quyết định cảm tính thuần túy.
"Việc mua bán vũ khí không có quan hệ gì với vụ sát hại ông Khashoggi. Không nên đánh đồng mọi thứ. Tôi rất ngưỡng mộ những người ngay cả trước khi họ biết rõ điều gì đã nói rằng 'chúng tôi sẽ không bán thêm vũ khí', ông Macron nói trong chuyến thăm Slovakia hôm 26/10.
Trước đó, Thủ tướng Theresa May hôm 24/10 cho biết việc xuất khẩu vũ khí của Anh sang Ả Rập Saudi đáp ứng các quy định cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí quốc gia và EU.
Hai nhà ngoại giao của EU hôm 26/10 nói rằng ngoại trưởng các nước EU có thể chính thức thảo luận về lệnh cấm vận vũ khí với Ả Rập Saudi trong khi Hà Lan đang thúc giục EU có hình thức xử phạt việc vi phạm nhân quyền, bất kể xảy ra ở nước nào.
Vùng Wallonia của Bỉ, nơi đặt cơ sở sản xuất vũ khí của FN Herstal, cho biết họ sẽ xem xét lại các hợp đồng xuất khẩu vũ khí cho khách hàng lớn nhất của mình trong thời gian tới sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Nhà báo Khashoggi - làm việc cho tờ Washington Post và thường xuyên viết bài bình luận chỉ trích các chính sách của Ả Rập Saudi, đã bị sát hại trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul ngày 2/10.
Tổng thống Tayyip Erdogan đang gây sức ép, buộc Ả Rập Saudi phải tiết lộ ai đã ra lệnh vụ giết nhà báo Khashoggi. Trong khi đó, các nước phương Tây cũng lên tiếng hoài nghi, khiến Ả Rập Saudi - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng dầu thế giới và đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông, rơi vào cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng.