Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các siêu thị cần tiếp tục hạ giá bán thịt lợn

Lê Nam - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, chiều 3/5 Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã đột xuất làm việc với một số DN bán lẻ trên địa bàn Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thị Hải Thanh cho hay, thực hiện chương trình hỗ trợ người nông dân chăn nuôi lợn, thời gian qua, Hapro đã có văn bản gửi đến các chi nhánh nhằm tăng lượng thu mua thịt lợn. Tất cả các chi nhánh cũng đã dành diện tích trưng bày thịt lợn nhiều hơn, đồng thời cố gắng tiết giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành...

Nhờ đó, siêu thị đã giảm khoảng 15% giá thịt lợn. Đặc biệt, Hapro cũng vận động toàn bộ cán bộ công nhân viên tăng cường tiêu thụ thịt lợn để hỗ trợ bà con. Hapro sẽ tăng cường dự trữ thịt lợn trong kho lạnh để có thịt lợn cung cấp cho bà con khi thị trường ổn định, không gây áp lực quá lớn lên nguồn cung hiện nay.

Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Hải Thanh đề nghị: Năng lực tạm trữ, cấp đông của DN hiện ở mức hạn chế, ngành chăn nuôi muốn đẩy mạnh việc giết mổ, tạm trữ phải có chính sách. Cụ thể Bộ NN&PTNT phải thống kê được năng lực giết mổ của toàn ngành cũng như khả năng cấp đông, tạm trữ. Phải cân đối với tổng lượng nhu cầu cần giết mổ, cấp đông và nhu cầu thị trường… để từ đó có chính sách cụ thể trên từng đầu lợn cần giết mổ, tăng khả năng tạm trữ của DN.

Thông tin về tình hình tiêu thụ thịt lợn trong thời điểm hiện tại, chiều 3/5, đại diện Siêu thị Fivimart (Công ty CP Nhất Nam) cho biết, hiện toàn hệ thống có 6 nhà cung cấp thịt lợn ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Dù giá nhập của các nhà cung cấp chênh nhau trong khoảng 4 - 12%, nhưng khi Fivimart đều thống nhất nhập cùng một giá bán nên tỷ lệ chênh lệch giữa giá bán và giá nhập dao động từ 3 - 19%, thậm chí có những mã hàng lợi nhuận âm như móng giò, sườn thăn của nhà cung cấp Minh Hiền, Meridian... Chính vì thế, tính các chi phí cho bán hàng cả trực tiếp và gián tiếp chiếm khoảng 25%. Như vậy, Fivimart đang bù lỗ từ 6 - 22%/kg thịt.

Thực tế, tại Fivimart, sức mua trong những ngày gần đây không tăng, không giảm, lượng tiêu thụ của cả hệ thống khoảng 2,5 tấn/ngày. Khi tình hình giá lợn giảm xuống đáy, hệ thống siêu thị Fivimart cũng giảm giá bán 3 lần trong 2 tuần từ 13 - 30%, nhà cung cấp giảm giá 2 lần từ 5 - 15%, đồng thời tiếp tục giảm thêm 5% và áp dụng vào ngày 4/5.

Bên cạnh đó, cả hệ thống đã tăng diện tích trưng bày thịt, tăng món chế biến, làm các chương trình khuyến mãi sâu vào cuối tuần. Ngoài ra, Fivimart cũng đề nghị các nhà cung cấp cân đối giá nhập lợn hơi để đưa ra giá bán hợp lý, không tính lợi nhuận trong thời điểm này, không ép nông dân giảm giá đầu vào, cũng như đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thương phẩm trong mọi thời điểm.

Về kế hoạch trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam Vũ Thị Hậu cho biết, Fivimart tiếp tục lựa chọn nhà cung cấp có chất lượng, giá cả hợp lý, đủ năng lực cung cấp cho cả hệ thống nhằm đảm bảo tính đồng đều của hàng hóa bán ra. Đơn vị này sẽ trực tiếp cùng nhà cung cấp hỗ trợ đầu ra cho người chăn nuôi bằng mọi cách, nhất là tính toán lại với nhà cung cấp để có giá đầu vào tốt nhất. Đồng thời, cam kết tiêu thụ hàng cho người chăn nuôi để nông dân không lo thiệt hại nhiều mà bỏ đàn, gây bất ổn về thị trường trong thời gian sau này. "Đây là những biện pháp được Fivimart đưa ra để hỗ trợ cho người dân tiêu thụ lợn, nhưng chất lượng thương phẩm vẫn đảm bảo cho người tiêu dùng", bà Vũ Thị Hậu nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa nêu rõ: Thời gian tới, các siêu thị cần tiếp tục kiểm soát giá thành để có dư địa giảm giá bán trên thị trường, nhưng phải song song đảm bảo chất lượng. Tiếp tục quảng bá để tăng lượng tiêu thụ, tăng cường các sản phẩm thịt lợn chế biến để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng. Về lâu dài, cần hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nắm bắt nhu cầu thị trường để tránh tình trạng giá bán bấp bênh.