KTĐT - Từ tuần trước, hệ thống siêu thị Topcare đã gửi đi thông điệp cho các khách hàng về chương trình “ngược dòng bão giá”.
Trong vô số mặt hàng đang “té nước theo xăng dầu và điện”, vẫn có nhiều sản phẩm, dịch vụ giảm giá, tăng khuyến mãi để kích cầu. Nhưng nhiều mặt hàng giảm giá không thuộc nhóm thiết yếu nên người mua vẫn thờ ơ.
Theo khảo sát của PV, tại các cửa hàng điện tử trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội, những tấm biển đề giảm giá, khuyến mãi được trưng bày đỏ rực với mức giảm phổ biến từ 5-15%... Ngoài tủ lạnh, nhiều dòng sản phẩm khác như máy giặt, tivi hay lò vi sóng cũng đề giá biển giảm giá.
Từ tuần trước, hệ thống siêu thị Topcare đã gửi đi thông điệp cho các khách hàng về chương trình “ngược dòng bão giá”. Theo đó, nhiều mặt hàng được chào bán ở đây có mức giảm từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Các sản phẩm được coi là giảm giá “khủng” trong đợt này là laptop, máy ảnh, tivi và lò vi sóng. Trong đó, giảm mạnh nhất là một số loại máy ảnh hiệu Sony, với mức gần 2 triệu đồng một chiếc.
Đại diện Topcare cho hay bình thường khi áp dụng chương trình khuyến mãi nào đó, hãng phải cân đối thu chi rất kỹ để đảm bảo giảm giá vẫn tăng được doanh thu. Với thời điểm bão giá các loại hàng hóa, chi phí bị đội lên như hiện tại, khuyến mãi, hay giảm giá được coi là nỗ lực của doanh nghiệp nhằm kích cầu tiêu dùng và chia sể khó khăn cho khách hàng. "Bão giá quét đến tất cả các ngành hàng, chúng tôi cũng không là ngoại lệ. Do vậy, giảm giá là cách để chúng tôi lấy số đông để tăng doanh thu", đại diện Topcare nói.
Thegioididong là một trong số những đơn vị mạnh tay hơn cả khi liên tiếp "dội" các chương trình khuyến mại cho khách hàng. Không chỉ giảm giá một số dòng sản phẩm điện thoại, máy ảnh, laptop, hãng phân phối này còn áp dụng các chương trình như dùng thử sản phẩm miễn phí, tặng chảo chống dính hay thẻ cào điện thoại, sim số đẹp...
Cứ trung bình một quý, hãng phân phối này lại đưa ra một chương trình khuyến mãi trị giá 2-3 tỷ đồng. "Mỗi chương trình thế này giúp chúng tôi tăng số lượng khách hàng khoảng 20%", đại diện hãng cho biết.
Giám đốc một hãng phân phối điện tử, máy tính ở Hà Nội nhận xét hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều khuyến mãi mong bán được nhiều hàng, nhờ đó mà ổn định doanh thu. So với năm trước, những mặt hàng nằm trong diện giảm giá đa số là sản phẩm nội địa. Đối với hàng nhập khẩu nằm trong đợt khuyến mãi lần này có thể là sản phẩm nhập về trước đợt điều chỉnh tỷ giá.
Vị giám đốc này cho rằng trong bối cảnh người dân "bớt mua sắm để ăn" như hiện nay, khuyến mãi là cách tốt nhất để kích cầu tiêu dùng. "Không giảm giá, khuyến mãi, khó lòng kéo được khách hàng lại với mình lúc này. Đôi khi giới kinh doanh chúng tôi thường nói với nhau là nếu cứ giảm giá là kiểu "cạnh tranh để nghèo đi" nhưng bối cảnh chung, không khuyến mãi cũng khó tăng được doanh thu", ông nói.
Có nhiều khuyến mại hấp dẫn nhưng hàng gia dụng vẫn vắng khách. Ảnh: Như Quỳnh |
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào hàng khuyến mãi cũng thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Nhân viên một siêu thị điện máy trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết thời điểm hiện tại, lượng khách tìm đến cửa hàng để mua sắm giảm rất mạnh so với cùng thời điểm năm ngoái. Dù rằng, từ đầu năm đến nay, siêu thị này liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá và giai đoạn sau Tết được coi là thời điểm "vàng" để mua sắm.
Chị cho biết các chương trình khuyến mại được thực hiện tại siêu thị này tương đối đa dạng, áp dụng với nhiều hàng hóa, như lò vi sóng giá chỉ hơn 700.000 đồng, nồi cơm điện hơn 400.000 đồng, bàn là, tủ lạnh, máy sấy, máy giặt…Mức giảm lớn như vậy, song khách hàng vẫn rất hờ hững. Trong số 10 khách tìm đến cửa hàng thì chỉ có khoảng 2 người bày tỏ ý định mua sản phẩm.
"Tôi hiểu rằng, khi giá điện tăng, các gia đình cũng phải cân nhắc đến các loại đồ dùng tiêu tốn nhiều điện năng để tiết kiệm chi phí. Có thể vì thế mà sức mua cũng kém đi", chị cho biết.
Theo chị, thời điểm này mọi năm, sức mua các mặt hàng điện lạnh cũng không thấp. Năm nay, ngay cả khi có nhiều khuyến mại như tặng quà, miễn phí công lắp đặt, giảm giá… cho nhiều loại máy giặt, máy điều hòa…, thì khách hàng vẫn thờ ơ trông thấy.
Ông Phan Đình Sơn, Giám đốc công ty phân phối các sản phẩm điện thoại, máy tính, thiết bị siêu thị số 98 Thái Hà, Hà Nội cho hay các sản phẩm bán ra tại đây đều không phải là các sản phẩm thiết yếu. Do vậy, khi đời sống khó khăn, việc đầu tiên người dân nghĩ đến là tiết kiệm chi tiêu, trong đó, máy tính, máy ảnh, điện thoại... là những sản phẩm nằm trong danh mục có thể bị cắt giảm. "Trong bối cảnh như vậy, giảm giá là cách chúng tôi hỗ trợ khách hàng, đồng thời giúp công ty giữ chân khách hơn là thu hút số lượng người mua mới", ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, tại hệ thống cửa hàng của công ty, các sản phẩm bán ra từ latop, điện thoại bình dân đến các sản phẩm cao cấp như iPhone 4, iPad... đều có giá bán thấp hơn thị trường vài từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng.