KTĐT - Tham dự phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 30/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã thông báo kết quả rà soát số dư tiền gửi hiện có ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại hệ thống ngân hàng.
Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ phải bán lại số ngoại tệ trên cho các nhà băng trong thời gian tới.
Tham dự phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 30/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã thông báo kết quả rà soát số dư tiền gửi hiện có ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại hệ thống ngân hàng.
Theo đó, qua báo cáo từ 78 tổ chức tín dụng, tổng số dư tiền gửi ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tính đến cuối tháng 3 là 1,61 tỷ đôla Mỹ. Trong đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn là 376 triệu USD.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, trong tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty bán lại số ngoại tệ gửi có kỳ hạn nói trên cho tổ chức tín dụng theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11 do Chính phủ ban hành. “Việc bán ngoại tệ này là hai chiều. Khi doanh nghiệp có nhu cầu thì ngân hàng chắc chắn sẽ bán lại”, Thống đốc khẳng định.
Về vấn đề thu phí khi ngân hàng bán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết đây mới là phương án đề xuất và đang được các cơ quan chức năng cân nhắc, chưa trở thành chính sách. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây vốn là công cụ được các nước sử dụng phổ biến.
“Không nên hiểu đây là một loại phí thông thường mà nên nhìn nhận nó là một biện pháp được triển khai để không khuyến khích người dân sử dụng ngoại tệ tiền mặt”, Thống đốc giải thích.
Trả lời báo chí về vấn đề lãi suất ngân hàng cao, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận hiện tượng này. Theo giải thích của Thống đốc, khi lạm phát cao thì công cụ tăng lãi suất được sử dụng khá phổ biến để hút tiền về ngân hàng trung ương và khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ khi thực hiện đầu tư.
“Tuy nhiên, lãi suất cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Do đó, thời gian kiềm chế lạm phát nên được rút càng ngắn càng tốt. Khi đó, lãi suất mới có điều kiện hạ”, người đứng đầu ngành ngân hàng nhận định.