Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các tỉnh, thành cả nước ứng phó với bão số 3

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chủ động ứng phó với bão số 3, UBND các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Bình, Quảng Ninh khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng chống sạt lở đất, ứng phó với ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 3.

Hiện nay tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang, UBND các huyện, thành phố cử cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn bà con khẩn trương thu hoạch lúa mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đảm bảo các phương tiện trong công tác phòng chống lụt bão.

Đối với các địa phương có hồ chứa cần có phương án bảo vệ hồ, đập tràn, phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du.

Đối với các địa phương bị ngập lụt, thiệt hại nặng trong cơn bão số 2 như Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu 3 huyện trên cần phải chủ động trong phương án phòng chống lụt bão. Hướng dẫn nhân dân sơ tán tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị bè mảng, phương tiện đảm bảo cho công tác phòng chống lụt bão.

Hiện tỉnh Hà Giang đã hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung cho công tác ứng phó với hoàn lưu bão số 3.

 
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng chống bão trên các lồng bè tại huyện Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng chống bão trên các lồng bè tại huyện Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN.
Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XII đã quyết định hoãn cuộc họp chuyên đề thứ 16 theo kế hoạch diễn ra trong 2 ngày 16 - 17/9 để tập trung cho công tác phòng chống bão số 3 (Kalmeagi).

Trước tình hình bão số 3 có nhiều khả năng đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh, tối 15/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: Chủ tịch UBND các địa phương, Thủ trưởng các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nghiêm túc, chủ động triển khai các biện pháp đối phó với số 3.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, gió lốc, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 3 (Kalmaegi), UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo tổ chức cảnh báo, kiểm soát người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập. Đặc biệt, nghiêm cấm người dân vớt củi, xúc cá, lội qua suối... khi có mưa lũ.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu đã có nhiều trường hợp bị tử vong do bất cẩn vượt qua suối khi có lũ.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, đến sáng 16/9, hơn 1.130 phương tiện tàu thuyền cùng hơn 1.230 lao động đã cập bờ an toàn.

Tuy nhiên, vẫn còn 33 tàu, thuyền với gần 130 lao động chưa cập bến.

Tại Thái Bình, áng 16/9, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, rà soát, nắm tình hình và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công việc phòng, chống lụt, bão ở mỗi địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.