Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các tổ chức đồng loạt dự báo kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng đáng kể vì dịch nCoV

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các tổ chức kinh tế đồng loạt dự báo, kinh tế Việt Nam có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Ngân hàng ANZ cho rằng, khi giao thương với Trung Quốc bị đình trệ và ngành du lịch chịu cú sốc lớn, GDP dự báo trượt xuống dưới 6% trong quý I/2020, giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, 0,4 điểm phần trăm giảm đến từ khu vực thương mại và du lịch, trong khi phần còn lại sẽ đến từ việc giảm nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam trong bối cảnh dịch nCoV đang hoành hành.
“Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát của virus corona, chủ yếu thông qua hoạt động thương mại và du lịch với Trung Quốc trượt dốc. Gần một phần ba số du khách đến Việt Nam từ Trung Quốc. Với những hạn chế về khách du lịch đến từ Trung Quốc, chúng tôi ước tính mức tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam có thể giảm tới 0,4 điểm phần trăm”, ông Khoon - Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Ngân hàng ANZ chia sẻ.
Chứng khoán lao đao vì nCoV.
Công ty Chứng khoán SSI dự báo, 9 ngành sẽ chịu tác động tiêu cực của dịch virus Corona là dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển - vận chuyển, dịch vụ sân bay và hàng không.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, với nỗ lực và các biện pháp quyết liệt của Chính phủ hiện nay, mức độ lây lan của dịch tại Việt Nam sẽ nằm trong tầm kiểm soát. BVSC dự báo GDP trong quý 1/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5% thấp hơn 0,2 - 0,4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quý 2/2020.
“Mặc dù vậy, với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý 2/2020”, BVSC viết trong báo cáo ra ngày 3/2.
Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ đóng góp tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam. Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao hơn hẳn bao gồm: Bán buôn và bán lẻ (tăng 8,82%); Vận tải, kho bãi (tăng 9,12%)... “Đây đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh”, BVSC lưu ý.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn, tới 38,7%.
Trên cơ sở đó, dịch bệnh tại Trung Quốc có thế gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam như: Điện thoại và linh kiện điện tử; Máy vi tính, sản phẩm điện tử; Dệt may; Da giày…
Đối với khu vực nông - lâm - thủy sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Do đó, nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực nông - lâm - thuỷ sản (vốn đã ở mức thấp) sẽ có nguy cơ suy giảm thêm, từ đó kéo theo cầu tiêu dùng của người lao động thuộc khu vực này cũng giảm theo.
Trước đó, tờ Asia Times nhận định, việc vắng bóng du khách Trung Quốc có thể gây tác động không nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam. Năm 2019, thu nhập từ du lịch chiếm khoảng 1/5 tổng sản phẩm quôc nội (GDP) của Việt Nam. Số lượng khách du lịch Trung Quốc năm 2019 tăng 16,9% và chiếm gần 1/3 tổng số du khách đến Việt Nam. Trong khi nhóm chuyên gia Chang Shu, Jamie Rush và Tom Orlik của Bloomberg tính toán kinh tế Hong Kong bị giảm tăng trưởng 1,7 điểm % trong quý I. Trong khi đó, Hàn Quốc và Việt Nam bị giảm 0,4 điểm %.
Báo cáo mới nhất của HSBC có tựa đề “Vietnam at a Glance” được đưa ra vào đầu năm nay đánh giá, dù rằng bức tranh kinh tế nhìn chung tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7% năm 2019, tuy nhiên, kinh tế vẫn đối diện với không ít thách thức. Do đó, HSBC cho rằng, để có thể tiếp tục có được tăng trưởng trong những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục thực thi những cải cách về cấu trúc.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020, Chính phủ cho biết, hiện nay 24% xuất khẩu nông sản của Việt Nam là sang Trung Quốc. Còn khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 25% tổng số khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam nên du lịch Việt Nam trong quý I/2020 có thể giảm khoảng 70%. Theo ước tính sơ bộ, trong quý I có thời kỳ nghỉ Tết kéo dài cộng với dịch bệnh, có thể tăng trưởng GDP quý này sẽ giảm khoảng 1%.
Tuy nhiên, Thủ tướng nói rằng chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 2020 mà tập trung các biện pháp dốc sức chống dịch và đẩy mạnh sản xuất để đạt tăng trưởng ổn định. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ không hoang mang, dao động mà sẽ quyết tâm thể hiện với thế giới bản lĩnh và ý chí Việt Nam vừa phòng chống dịch tốt, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế.