Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các trường đã dần thích nghi với Sổ điểm điện tử

Thu Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Giao diện nhập điểm cho giáo viên trên website và mobile khá thân thiện với người sử dụng. Việc sử dụng phần mềm để nhập điểm tương đối đơn giản và đã quen thuộc với giáo viên”, đây là nhận xét của thầy Hoàng Văn Phú - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, Hà Nội về phần mềm Sổ điểm điện tử đang được triển khai tại nhà trường hiện nay.

Chiều 11/1, Sở TT&TT và Sở GD&ĐT đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp thị sát tình hình triển khai Sổ điểm điện tử năm học 2016 - 2017 tại 3 trường: THPT Chu Văn An, THPT Phan Huy Chú và THCS Tô Hoàng.

Lãnh đạo Sở TT&TT và Sở GD&ĐT Hà Nội trực tiếp lắng nghe ý kiến phản ánh về Sổ điểm điện tử của giáo viên trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội).
Ghi nhận tại các trường cho thấy, đội ngũ cán bộ giáo viên của các trường đều đã được tập huấn đầy đủ về CNTT, các trường đều đã đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng máy móc tốt phục vụ việc triển khai phần mềm Sổ điểm điện tử. Các giáo viên đã sử dụng thành thạo hệ thống Sổ điểm điện tử. Việc nhập điểm đã được các giáo viên của trường Chu Văn An, Tô Hoàng hoàn thành đúng tiến độ và kế hoạch của phòng giáo dục quận.
Tuy nhiên, trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Sở TT&TT, Sở GD&ĐT và Công ty Phần mềm Nhật Cường - đơn vị xây dựng và thiết kế phần mềm Sổ điểm điện tử, các giáo viên cũng thẳng thắn cho biết vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thao tác và in ấn Sổ điểm. Phầm mềm Sổ điểm khá nặng nên để có thể cài đặt thành công thì các máy tính phải có cấu hình mạnh. Ngoài ra, việc cập nhật điểm trực tiếp trên các thiết bị công nghệ khác (ngoài máy tính) chưa thực hiện được.
Với những trường có đặc thù tổ chức nhiều mô hình lớp học khác nhau như trường THPT Chu Văn An, phiên bản phần mềm hiện tại chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu quản lý giáo dục của nhà trường như: Tổ chức kỳ thi tập trung, nhập điểm theo yêu cầu của trường; chưa cung cấp được format chuẩn tiếng Pháp của hệ song ngữ…
Lắng nghe các ý kiến phản ánh, đề xuất của các giáo viên, bà Phan Lan Tú cho biết sau buổi kiểm tra, thị sát tại các trường trên địa bàn TP, Sở TT&TT và Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp và trao đổi với Công ty Nhật Cường nhằm hoàn thiện Sổ điểm điện tử. Hiện vẫn còn một số giáo viên chưa thạo sử dụng phần mềm, phía Công ty Nhật Cường cần tăng cường nhân viên hỗ trợ để kịp thời giải đáp mọi thắc mắc của nhà trường và cung cấp thêm số hotline để thuận tiện trong việc xử lý tình huống.

Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, TP Hà Nội đã quyết tâm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử thông qua việc xây dựng hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến dùng chung trên toàn TP, liên thông dữ liệu đáp ứng nhu cầu về quản lý thông tin của công dân từ khi sinh ra, có giấy khai sinh, hộ khẩu trong quá trình học tập và rèn luyện và tiếp theo là quá trình lao động làm việc và trưởng thành.TP đã hình thành hệ thống mạng dùng chung đến 100% xã phường thị trấn, trên một nền tảng đồng bộ, thống nhất và sử dụng chung sẽ là cơ sở thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu.

Trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư, để thống nhất quản lý học sinh đồng bộ, thống nhất dữ liệu trên toàn TP, từ tháng 1/2016, UBND TP đã chỉ đạo Sở TT&TT, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp xây dựng, triển khai thử nghiệm, khai trương phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào tháng 6/2016. Sau khi triển khai thành công phần mềm tuyển sinh trực tuyến, UBND TP tiếp tục chỉ đạo 2 Sở phối hợp xây dựng phần mềm quản lý học sinh, sổ điểm điện tử thống nhất trên nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung TP mà phần mềm trước đây các trường đã sử dụng không đáp ứng được các yêu cầu này.