Kinhtedothi - Ngưỡng nào để đảm bảo chất lượng đầu vào, mỗi thí sinh (TS) có 4 nguyện vọng, 16 hay 40 nguyện vọng, thời gian xét tuyển trong bao lâu, là những thông tin mà cả TS lẫn các trường ĐH thắc mắc, đề nghị Bộ GD&ĐT giải đáp
Thí sinh có tới 40 nguyện vọng
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy mới, căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia của TS dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Mỗi TS có nhu cầu xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi. TS dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nguyện vọng 1. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, TS được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác. Những TS bị trượt nguyện vọng 1 được dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để ĐKXT các nguyện vọng bổ sung.
Những quy định không rõ ràng và chưa cụ thể này khiến nhiều người, đặc biệt là TS và phụ huynh cảm thấy rối. “Bộ GD&ĐT quy định về điểm ngưỡng tối thiểu cho từng môn, khác hẳn mọi năm là tính điểm sàn theo khối thi, là như thế nào? Điều này thực sự gây khó khăn cho TS. Những năm trước, để đạt điểm sàn xét tuyển ĐH, chúng em chỉ cần tổng điểm 3 môn thi bằng hoặc trên sàn vì trong một khối thường có môn không thuộc sở trường” - Phan Minh Anh, có địa chỉ email vuontoivisao2010@... đặt câu hỏi.
Nhiều năm làm công tác tuyển sinh, PGS Lê Hữu Lập (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cũng công nhận, một số thông tin trong Quy chế chưa rõ. Chẳng hạn, trừ Giấy chứng nhận kết quả thi để xét nguyện vọng 1, các giấy khác sẽ không ghi thời hạn dùng cho các đợt xét nguyện vọng bổ sung? Có nghĩa là cùng một đợt có thể dùng cả 3 giấy để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung? Với quy định xét tuyển của Bộ, ông Lập hiểu rằng, thực tế số nguyện vọng rất lớn: Đợt 1, TS sẽ được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng; đợt xét tuyển bổ sung, TS được sử dụng cùng lúc 3 giấy chứng nhận nhân với 3 lần xét tuyển, tương đương là thành 36 nguyện vọng. Như thế, tổng cộng mỗi TS có tối đa tới 40 nguyện vọng chứ không phải 12.
Ưu thế vẫn thuộc về trường top trên
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng như phụ huynh và TS cho rằng, Bộ GD&ĐT nên quy định thống nhất thời gian xét tuyển từng đợt. Nếu không, mỗi trường đưa ra mốc thời gian khác nhau sẽ không biết căn cứ vào đâu để lấy điểm xét tuyển đợt sau cao hơn hoặc bằng đợt trước. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đề xuất chia thời gian cho từng loại trường xét tuyển để tránh lộn xộn và giảm tỷ lệ TS ảo. Chẳng hạn, trường trọng điểm được xét tuyển đợt đầu, trường công lập đợt tiếp sau, trường ngoài công lập đợt sau nữa, cuối cùng là trường CĐ.
Giải đáp thắc mắc về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào điểm thi, chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng ưu tiên... để xây dựng và công bố. Trên cơ sở này, các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án xét tuyển sao cho điểm trúng tuyển không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng quy định.
Cũng theo ông Trinh, cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi cho mỗi TS là cách để tạo thuận lợi cho TS. Bởi, mỗi giấy chứng nhận, các em được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/nhóm ngành khác nhau của một trường. Đợt 1, mỗi TS chỉ sử dụng một giấy chứng nhận để đăng ký xét tuyển vào một trường. Trong mỗi đợt (từ đợt 2 trở đi), các em có thể sử dụng cùng một lúc cả 3 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển. Với quy định như thế, nhiều người có kinh nghiệm làm tuyển sinh khẳng định, dù Bộ GD&ĐT có cho TS bao nhiêu nguyện vọng thì khó khăn trong tuyển sinh vẫn lặp lại đối với những trường thiếu nguồn tuyển, bởi cùng lắm, TS chỉ đăng ký xét tuyển đợt 1, đợt 2. Vì thế, 40 hay hơn nữa số nguyện vọng chẳng thể giải quyết vấn đề nan giải, nhất là khi số cử nhân thất nghiệp không dừng ở con số 174.000 người.
Giờ ôn tập toán của học sinh khối 12 trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
|