Năm học 2022- 2023, ở cấp trung học, ngành giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, 7, 10; tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 8, 9, 11, 12 với tâm thế chủ động, linh hoạt, ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Đối với việc bố trí dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, Bộ GD&ĐT lưu ý việc xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn ở lớp 10 phải thực hiện đúng quy định; bảo đảm vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh; vừa sử dụng đầy đủ, hiệu quả đội ngũ giáo viên của nhà trường. Việc tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng kí, lựa chọn các tổ hợp do nhà trường xây dựng phải đảm bảo khoa học, công khai, minh bạch.
Đối với việc thực hiện các chương trình môn học cần lưu ý việc củng cố, bổ sung những nội dung có liên quan ở lớp học dưới; những kiến thức, kĩ năng còn hạn chế do phải học trực tuyến, học trên truyền hình hoặc các hình thức học tập khác trong các năm học trước.
Các trường chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý học đường; giáo dục thể chất; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Đối với môn Lịch sử, thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử ban hành kèm theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03/8/2022; sử dụng sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Ngoài ra, cần tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong dạy học Lịch sử.
Đối với môn Ngữ văn, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng dẫn tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Các nhà trường khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trên cơ sở tự nguyện của cha mẹ học sinh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, nội dung học tập của học sinh trung học; tăng cường giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy hứng thú học tập của học sinh, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hoá thế giới; tiếp tục thực hiện tốt việc sử dụng di sản trong dạy học một số môn học, hoạt động giáo dục phù hợp.
Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; khuyến khích các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra.
Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.
Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá các môn học phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Các trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục trung học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp 10; tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của học sinh lớp 9 để chủ động chuẩn bị cho học sinh vào học lớp 10; tăng cường tư vấn hướng nghiệp theo định hướng nghề nghiệp cấp THPT; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện giáo dục STEM trong trường trung học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Bạn đọc xem chi tiết công văn TẠI ĐÂY