Giám sát chặt để tránh dàn trải
Theo số liệu mới nhất của Bộ KH & ĐT, cả nước hiện có 289 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 81.500ha, thu hút 70% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Cũng theo số liệu này, các KCN trong cả nước đã thu hút trên 4.700 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 69,2 tỷ USD và trên 5.100 dự án đầu tư trong nước với 462.000 tỷ đồng. Cùng với hệ thống hạ tầng liên tục được nâng cấp, những ưu đãi đầu tư cạnh tranh liên tục được cập nhật trong những năm gần đây như, chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; bổ sung ưu đãi cho các dự án có quy mô lớn cũng như dự án đầu tư mở rộng… những KCN chuyên sâu, KCN hỗ trợ… được hình thành đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Điều này thể hiện rõ nét trong việc các dự án đầu tư nước ngoài lớn liên tục được cấp phép trong thời gian qua như: Dự án Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa, Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, các dự án của Tập đoàn Samsung, Nokia, LG...
Kiểm tra sản phẩm điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Linh Anh
|
Tuy nhiên, theo ông Koo Bon Jun - Tổng Giám đốc LG, Tập đoàn đang dự kiến đầu tư 1,5 tỷ USD cho một chiến lược dài hạn phát triển chuỗi nhà máy sản xuất các mặt chiến lược của LG tại Việt Nam, đưa ra gợi ý: Mô hình cụm công nghiệp liên hoàn giữa các nhà sản xuất sản phẩm chính và toàn bộ các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ đi kèm đang là xu hướng chung trong phát triển các KCN tại nhiều nước. Do đó, xây dựng và thu hút đầu tư vào KCN của Việt Nam trong thời gian tới cần kết hợp không gian và chính sách để thu hút song song các nhà đầu tư theo mô hình này.
Theo đại diện Bộ KH & ĐT, hiện các cơ quan quản lý tiếp tục rà soát việc thực hiện quy hoạch các KCN nhằm gắn việc phát triển KCN với yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng, tránh dàn trải, lãng phí. Bộ cũng đang xây dựng quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án hạ tầng KCN theo hướng bảo đảm định hướng đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên những phần diện tích này.
Dần khẳng định hướng đi mới
Hiện tại, Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ lấp đầy KCN cao nhất nước (trên 95% diện tích đất công nghiệp), số dự án, số vốn đăng ký đầu tư, số lao động chiếm khoảng 10% toàn bộ các KCN trên toàn quốc. Tính đến nay, các KCN Hà Nội đã thu hút 545 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 4,62 tỷ USD và 10.800 tỷ đồng, trong đó hơn 450 dự án đã đi vào hoạt động. Nhiều dự án có quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD, sử dụng công nghệ cao như: Canon, Panasonic, Yamaha, Meiko, YoungFast... Ông Nguyễn Xuân Chính - Trưởng ban quản lý các KCN và KCX Hà Nội chia sẻ, mỗi hécta đất trong KCN bình quân đã tạo việc làm mới cho trên 100 lao động và nộp ngân sách trên 1,5 tỷ đồng. Các KCN đã tạo ra khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu và trên 20% GDP Thành phố, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của Hà Nội theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.Trong năm 2013, với việc cấp phép đầu tư cho hai KCN mới gồm: Khu công viên phần mềm công nghệ thông tin và khu KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), được coi là những dự án khẳng định rõ định hướng phát triển KCN của TP.
Theo quy hoạch, tổng diện tích đất khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 80.000 - 90.000 ha đến năm 2015 và 120.000 - 130.000 ha đến năm 2020. Từ đó nâng tỷ lệ đóng góp của các khu công nghiệp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40% và tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghiệp của các khu công nghiệp đạt 40% giá trị xuất khẩu toàn quốc vào năm 2015. |