Người cao tuổi nên hạn chế các thức ăn có chứa nhiều đạm, nhiều béo và nhiều ngọt. Khi ăn uống nên thực hiện một số điểm như sau:
- Chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo không khí vui vẻ, thoải mái, ăn chậm và nhai kỹ thức ăn. Nếu người răng yếu thì nên nấu thức ăn chín mềm hoặc xay nhuyễn.
- Tăng các thức ăn thực vật như: rau, quả, đậu đỗ, giảm lượng thịt, mỡ. Chế biến các món ăn dưới dạng hầm, nấu, hấp, luộc để ăn. Giảm hoặc tránh các món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, khó tiêu, hoặc các món nướng.
- Các thức ăn nhiều đạm, nhiều béo sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, dễ sinh đàm và rất bất lợi cho người bị cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu cao, viêm ruột, viêm dạ dày, thống phong (gout)…
- Không nên ăn quá no, nhất là vào buổi tối, vì khi nằm, dạ dày căng to, đẩy cơ hoành lên trên, chèn ép, cản trở hoạt động của tim. Sau khi ăn xong, nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng 15-30 phút, sẽ giúp cho dạ dày dễ tiêu hóa thức ăn, chuyển xuống ruột non dễ dàng.
- Đối với các thức ăn quá ngọt cũng cần hạn chế, vì đồ ngọt dễ sinh đàm thấp dẫn đến tiêu hóa kém, giảm cảm giác thèm ăn (chán ăn), dễ đầy bụng, ợ chua. Chất ngọt sẽ hóa nhiệt, sinh hỏa, dễ phát sinh ra các loại bệnh ung nhọt ngoài da.
Đồ ngọt không có lợi cho người bị bệnh tim, cao huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, viêm tuyến tụy…
- Các thức ăn chế từ nội tạng động vật như: gan, thận, lòng, tim… là những loại chứa nhiều chất dinh dưỡng đồng thời cũng chứa hàm lượng cholesterol cao. Do đó, các thức ăn này rất bất lợi cho người có mỡ trong máu cao, cao huyết áp, bệnh tim, thống phong, viêm dạ dày - ruột, viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật…
- Về thức uống, nên uống nước lọc, nước trà, uống ít rượu nhẹ (như rượu vang, rượu nếp cẩm, rượu trái cây…) trong bữa ăn cho dễ tiêu hóa (ngoại trừ trường hợp có bệnh phải tuyệt đối kiêng rượu). Uống nước đầy đủ nhưng không nên uống quá nhiều nước, nhất là vào buổi tối, sẽ gây mất ngủ, đi tiểu đêm.
Có thể dùng một số trái cây hoặc nước ép của chúng như: cam tươi, cà rốt, cà chua, nho đỏ, táo tây, bưởi, thơm, chuối, rau củ các loại… Những loại trái cây này sẽ cung cấp nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ, các hoạt chất có tác dụng ngăn ngừa nhiều loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, tiêu hóa, bệnh của tuyến tiền liệt, làm chậm quá trình lão hóa.
Tránh dùng quá nhiều rượu, bia, cà phê, ca cao, nước ngọt có ga, các loại sữa đặc có đường, thuốc lá…
Trong các bữa ăn, chú ý sử dụng thêm một số gia vị như:
Gừng tươi: Có tác dụng ôn ấm tỳ vị, giúp tiêu hoá thức ăn, chữa kém ăn, ăn không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa, ho có đàm, giúp giải độc cua, cá, thịt… Có thể ăn mứt gừng, gừng muối, cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa và hô hấp.
Những người đang có vết loét, chảy máu thì không nên dùng gừng.
Tỏi: có tác dụng sát khuẩn, điều hòa hệ sinh vật ở đường tiêu hóa, chữa được các bệnh nhiễm trùng đường ruột, giúp tiêu hoá tốt hơn, phòng ngừa được các bệnh đường hô hấp, tim mạch, ung thư… Mỗi lần chỉ nên ăn 1-2 tép tỏi là đủ.
Hành tím, hành ta, củ kiệu: Có tác dụng trợ tiêu hóa, chống viêm, ngừa cảm lạnh. Thường dùng chữa ăn uống kém, ăn uống không tiêu, đầy bụng, cảm lạnh, ngoài ra còn phòng ngừa được ung thư. Hành tím, củ kiệu làm dưa ăn rất hữu ích.
Hành tây: Có tác dụng kích thích tiêu hoa, lợi tiểu, chống thấp khớp, chống nhiễm khuẩn. Thường được dùng chữa ăn uống kém, ăn uống không tiêu, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, bí tiểu, phù thũng. Hành tây ngăn ngừa được xơ cứng động mạch, đái tháo đường, viêm ruột, cảm cúm, ký sinh trùng đường ruột, béo phì. Mỗi ngày chỉ nên dùng 100-150g.
Nghệ vàng: Có tác dụng trợ tiêu hóa, làm lợi mật, kháng khuẩn, giúp mau lên da non, chống loét dạ dày. Thường dùng để kích thích tiêu hóa, chữa một số bệnh gan mật, viêm loét dạ dày, phụ nữ sau khi sinh bị đau bụng. Ngoài ra còn dùng để khử mùi tanh của cá, ốc, lươn.
Dùng nghệ tươi hoặc bột nghệ khô đều được. Ngày dùng 30-40g tươi hoặc 10-15g bột khô.
Tiêu, ớt: Có tác dụng kích thích, ăn ngon miệng, trợ tiêu hóa. Những người bị viêm loét dạ dày, táo bón không nên ăn nhiều tiêu, ớt.
Các loại rau thơm gia vị: Thì là, rau mùi (ngò), húng quế, húng dũi (bạc hà), cần tây, tía tô, kinh giới, rau răm, ngò gai (ngò tàu), diếp cá, lá chanh… đều là những gia vị có ích cho sức khỏe trong những ngày đầu xuân.
Các loại rau gia vị này có tác dụng làm tiêu mùi vị khó chịu của nguyên liệu chính (thịt, cá, tôm, cua…) kích thích tiêu hóa, có kháng sinh thực vật kiềm hãm một số vi khuẩn. Một dĩa rau thơm trong bữa ăn sẽ giúp ăn ngon miệng hơn, tăng cường sự hấp thu, giảm tác dụng xấu của thịt mỡ, cá, tôm, lại phòng ngừa được một số bệnh thời khí của bốn mùa.
Trong các bữa ăn, nên tránh (hoặc nên ăn thật ít) các thực phẩm làm sẵn như: Lạp xưởng, xúc xích, jăm-bông, patê, nem, vì các loại này thường được gia thêm chất diêm tiêu để làm cho đỏ thịt.
Chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ.
|
Sử dụng những gia vị phù hợp
|