Chuyển hướng sản xuất, kinh doanhChiều 10/9, tại hội thảo Cách mạng 4.0 và chiến lược mở đường cho DN Việt Nam, đã thu hút tới hơn 700 đại biểu là chuyên gia, DN trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận tham gia. Điều này, chứng tỏ cuộc cách mạng 4.0 đang đến với Việt Nam quá gần và chúng ta không thể chỉ ngồi chờ hưởng lợi.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng cũng như hiệu quả và năng suất vượt trội cho nền sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các DN, giám đốc, nhà quản lý khó cảm nhận, định hướng được tốc độ và hệ luỵ của đổi mới công nghệ vì nó diễn ra quá nhanh và quá khác.
Về phía cung, các công nghệ mới tạo ra những phương thức đáp ứng nhu cầu hoàn toàn mới làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp và chuỗi giá trị đang tồn tại. Đơn cử, khi Uber vào Việt Nam với cách làm sáng tạo mang đến lợi ích tối đa cho khách hàng, nếu các hãng taxi truyền thống không đổi mới phương thức hoạt động phục vụ khách thì khó tồn tại được lâu. Vì thế, trước tình hình này, những nhà sáng lập phải đưa ra được những giải pháp kinh doanh mới thay thế cho cách làm truyền thống.Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN có danh tiếng vẫn có thể bị đánh bại. Bởi ưu thế của nền tảng công nghệ số kết nối toàn cầu và các giải pháp kinh doanh mới sáng tạo sẽ thắng DN có danh tiếng. Không chỉ thế, về phía cầu, người tiêu dùng cũng thay đổi cách mua hàng chủ yếu phụ thuộc vào thế giới di động và dữ liệu. Việt Nam có 40 triệu người kết nối internet, trong đó lớp trẻ chủ yếu mua bán bằng kết nối, kích chuột và gõ trên máy tính. Vì thế, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, nếu các DN Việt Nam không hướng theo sự thay đổi này thì sẽ thua. Đó là chưa nói tới việc, bây giờ thanh toán không biên giới thì việc cạnh tranh đối với các DN bên ngoài là rất lớn. Và, một thách thức nữa từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế chủ yếu của công nghệ kết hợp cả cung lẫn cầu làm đổ vỡ mô hình công nghiệp truyền thống. Ví dụ, mô hình in 3D sẽ sản xuất theo cá thể. “Các DN phải thay đổi cách thức thiết kế, tiếp thị, cung ứng hàng hoá, dịch vụ. Chúng ta phải nghĩ đến không gian số để phấn đấu và tồn tại trên đó” – ông Dũng đưa ra lời khuyên.DN phải có tầm nhìnVới những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho DN Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo cho rằng, thời điểm này, chúng ta có thể đi tắt đón đầu, vượt lên và đuổi kịp. Đã từng thất bại rồi mới có thành công trong việc toàn cầu hoá sản phẩm, ông Cao Bảo đưa ra lời khuyên đối với các DN vừa và nhỏ có nguồn vốn khiêm tốn, trước tiên hãy số hoá quản trị của DN mình. Thời đại bây giờ là “nhanh thắng” chứ không phải “to thắng”. Khi chúng ta muốn nhanh thì phải quản trị thông tin. Ví dụ, người làm trong ngành xây dựng, chỉ cần cái điện thoại là tra cứu được vật liệu trong kho còn hay hết, đọng vốn bao nhiêu... Đồng tình với ý kiến của ông Bảo, Tổng giám đốc Vihajico Đào Ngọc Thanh – chủ đầu tư dự án Ecopar khẳng định: “Thị trường là yếu tố then chốt quyết định sự thành bài của công ty. Vì thế, câu chuyện của chúng tôi là làm cái gì, bán cho ai, bán được bao nhiêu tiền”. Trong khi nhiều người nghĩ, với cuộc cách mạng 4.0 này, các DN lớn sẽ có lợi thế nhưng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục PTI Trịnh Văn Dương không cho là như thế. “Các DN nhỏ hay siêu nhỏ cực kỳ lợi thế và dễ chuyển hướng hơn. Những DN này nên tinh gọn sản xuất, giảm chi phí về con người, bến bãi. Ví dụ, khi mở công ty dược không nhất thiết phải có nhà máy như Traphaco, hay cánh đồng lớn như TH True Milk”. Theo quan điểm của chuyên gia tư vấn tái cấu trúc DN Nguyễn Tất Thịnh, cách mạng 4.0 không phân biệt DN có quy mô nhỏ hay to, lâu đời hay mới, vốn nhiều hay ít. Các DN thông minh thì phải rút ngắn về kỳ hạn tầm nhìn, tài chính.Khuyến nghị mở đường cho DN Việt Nam sản xuất và kinh doanh bền vững, theo ông Dũng, đầu tiên chúng ta phải có đầu óc rất mở. Cho dù DN có nhỏ nhưng tầm nhìn phải là của thời đại. Nếu robot vào sản xuất làm giá thành rẻ và sản phẩm tốt hơn thì chúng ta phải mua để sử dụng. Thứ hai, DN phải thông minh, càng kinh doanh thì càng hiểu thị trường, khách hàng, cách làm ra sản phẩm tốt và rẻ nhất. Điều đó gắn liền với kinh tế tri thức. Cho dù thất bại có làm cho chúng ta mất tiền nhưng chúng ta lại tích tụ được kiến thức. Thứ nữa, làm doanh nhân, con người phải có ước vọng, tạo ra những giá trị lớn hơn đồng tiền để cống hiến cho dân tộc và nhân loại. Đặc biệt, chúng ta không thể làm ăn chụp giật, kinh doanh trên sự tổn hại của khách hàng, người dân và môi trường.