Sự chuẩn bị kỳ công
Những ngày mùa Thu Tháng Tám của 75 năm về trước, từ Khu Giải phóng Tân Trào, lệnh Tổng Khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay Nhân dân. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện sức mạnh của lòng dân, về bài học đại đoàn kết, lấy dân làm gốc. Bài học này tiếp tục được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập.
GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, để đi đến Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng suốt 15 năm: “Chúng ta đã chuẩn bị rất kỳ công, chuẩn bị cả đường lối, sự ra đời của Đảng năm 1930, của cả tổng diễn tập 1930 - 1931, cao trào cách mạng Xô viết - Nghệ Tĩnh, chuẩn bị cả khôi phục năm 1931-1935, chuẩn bị cả cao trào 1936 - 1939 và đặc biệt 1939 - 1945.
Chuẩn bị chớp thời cơ, nắm tình thế cách mạng, chuẩn bị chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, phát động phong trào, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế. Đó là sự chuẩn bị rất kỳ công”. Từ Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi và được toàn thể Nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Sáng ngày 19/8, hàng chục vạn Nhân dân tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Đánh dấu mốc son lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), đây là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén tạo thời cơ và chớp thời cơ ngàn năm có một, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sức mạnh của lòng dân
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám đã để lại bài học quý báu, nhất là bài học về lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, “lấy sức ta giải phóng cho ta”. Qua nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà đã chỉ ra, trong những bài học lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám, bài học lớn nhất, sau này chi phối toàn bộ tiến trình cách mạng, 30 năm kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, rồi đổi mới, chính là bài học về phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân, đúng như Bác Hồ đã nói: Sự nghiệp cách mạng bắt đầu từ dân, cuối cùng cũng vì dân.
Thực tế lúc bấy giờ, số lượng đảng viên ít ỏi, về vũ khí cũng đơn sơ; kinh tế đất nước đang lâm vào cảnh đói kém, gần 2 triệu người chết đói. Trong bối cảnh ấy, biết phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tập hợp được người dân đồng lòng dưới cờ Đảng thì khó khăn, thử thách đến đâu cũng sẽ giành được thắng lợi.
"Trong thời khắc vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta lúc đó có hơn 5.000 đảng viên, trong đó chỉ hơn 1.000 đảng viên đang hoạt động bên ngoài, nhưng bằng việc tuyên truyền để dân hiểu, dân tin nên đã huy động được hơn 20 triệu người đứng lên giành chính quyền. Qua đó mới thấy tiếng nói của Đảng mạnh mẽ thế nào. Người dân hoàn toàn tin tưởng Đảng là hiện thân của độc lập, của tự do, của giải phóng, đem lại ấm no hạnh phúc, cho nên nghe theo tiếng gọi của Đảng”- PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nói.
Nhấn mạnh đến bài học sức mạnh của lòng dân cần được huy động, khơi dậy và phát huy thường xuyên, đồng thời phải củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, PGS. TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp đổi mới. Do đó, muốn thực hiện đổi mới thành công thì trước hết phải củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân với Đảng, đó là quan trọng nhất, là số một, đồng thời phải chăm lo lợi ích chính đáng của Nhân dân. Nếu chúng ta làm được những điều đó chúng ta sẽ có được lòng tin của Nhân dân, có lòng tin của dân là có tất cả.