Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách phân biệt hải sản “tắm” hóa chất

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, lực lượng chức năng ở Hà Nội đã bắt quả tang một cơ sở ở Phúc Xá (Ba Đình) sử dụng hóa chất để tẩy trắng bạch tuộc, mực. Vì lợi nhuận, không ít các cơ sở đã sử dụng biện pháp này để “phù phép” hải sản đã ươn, hỏng thành hải sản tươi.

 Ảnh minh họa
Theo TS Nguyễn Quang Tề - nguyên Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) đã chỉ ra, các loại hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng là mùi ươn. Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản còn tươi sống. Với bạch tuộc và mực đông lạnh cần xem ngày đóng và hạn sử dụng để tránh mua phải sản phẩm hết hạn. Khi chế biến hải sản nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu thì không nên ăn.

Để tránh mua phải hải sản được ngâm hóa chất, có thể dựa vào một số dấu hiệu cảm quan. Đối với bạch tuộc: Chọn bạch tuộc tươi sống còn bơi được là tốt nhất. Bạch tuộc tươi chất lượng phải còn đủ chân, quan sát sẽ có tròng mắt trong sáng, có lớp da căng, bóng mịn nhưng thân hình không trương phình. Bạch tuộc ngâm hóa chất thường có màu trắng bệch, ngửi bạch tuộc thấy mùi lạ không có mùi tanh tự nhiên, thậm chí không còn mùi gì.

Đối với mực, khi chọn mực tránh chọn những con có mùi hôi. Mực còn nguyên con, có đầy đủ râu là tốt nhất. Mực tươi sẽ có mùi đặc trưng hơi tanh, trắng trong, màng bên ngoài còn nguyên, đầu và thân mực dính liền với nhau và túi mực nguyên bên trong. Mắt mực tươi sẽ sáng, toàn bộ râu mực thấy tươi sáng, màng không rách nhiều. Các loại mực được tẩy thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, bắt mắt.