KTĐT - Đối với thủy đậu, sau một thời gian ủ bệnh khoảng trên dưới 2 tuần thì bệnh phát. Nhiều trẻ mắc bệnh vẫn ăn ngủ chạy nhảy bình thường, nên người lớn ít để ý cho đến khi thủy đậu mọc, hoặc tình cờ phát hiện được một vài nốt ở đầu khi gội đầu cho trẻ.
Theo y học cổ truyền, thủy đậu là do phong nhiệt xâm phạm vào phế qua đường miệng.
Cách phát hiện thủy đậu
Đối với thủy đậu, sau một thời gian ủ bệnh khoảng trên dưới 2 tuần thì bệnh phát. Nhiều trẻ mắc bệnh vẫn ăn ngủ chạy nhảy bình thường, nên người lớn ít để ý cho đến khi thủy đậu mọc, hoặc tình cờ phát hiện được một vài nốt ở đầu khi gội đầu cho trẻ.
Có khi trẻ sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, bỏ chơi, ngứa… Một số trẻ lớn có thể kêu đau mỏi các khớp, và 2-3 ngày sau thủy đậu mọc. Thoạt đầu là ban, nhìn giống ban sởi, mọc khắp nơi ở da đầu, trong các kẽ chân tóc, vài giờ sau thành nốt phỏng.
Nốt phỏng rất nông, có hình quả xoan, trông như giọt sương, nếu lấy hai ngón tay căng nốt phỏng ra sẽ thấy mặt nốt phẳng nhăn lại. Các nốt đậu mọc rất nhanh và mọc làm nhiều đợt cách nhau 2-3 ngày, do đó ở cùng một vùng da có thể gặp đủ loại nốt đậu: to, nhỏ, đỏ, phỏng, hay nốt đã đóng vảy. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt đậu sẽ làm mủ, sưng to và rất ngứa làm trẻ gãi trầy da, để lại sẹo sâu.
Nhìn chung, khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh thường tiến triển lành tính, một tuần sau vảy bong và không để lại sẹo. Nhưng nếu không được phát hiện sớm, không chăm sóc điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ nặng và gây ra nhiều biến chứng.
Một số bài thuốc
Với trường hợp nhẹ - thủy đậu mọc rải rác, sốt nhẹ; có khi không sốt, ho ít, nước mũi trong loãng, ăn uống và tinh thần bình thường (bệnh chỉ có ở phần vệ), thì phương pháp chữa là sơ phong thanh nhiệt.
Bài thuốc gồm các vị: lá dâu 12g, lá tre 16g, cam thảo đất 8g, bạc hà 6g, rễ sậy 10g, ngân hoa 10g, kinh giới 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu nặng hơn - thủy đậu mọc nhiều, màu sắc tím tối, xung quanh nốt đậu có màu đỏ sẫm, sốt cao phiền khát, mặt đỏ, niêm mạc miệng có những nốt phỏng, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ (tà vào phần khí và phần dinh), thì bài thuốc gồm các vị: bồ công anh 16g, kinh nhân 12g, tế sinh địa 12g, liên kiều 8g, xích thược 8g, chi tử sao 8g.
Nếu khát nước nhiều, miệng khô thì thêm: thiên hoa phấn, sa sâm, mạch môn (mỗi loại 8-12g). Sắc uống ngày 1 thang - ban đầu cho 3 chén nước, sắc các vị thuốc còn lại 1,5 chén; nước hai cho tiếp 3 chén nước vào, sắc còn lại 1 chén. Hòa hai nước lại, chia dùng 3 lần trong ngày.
Sau cùng, cần tham khảo thêm ý kiến từ nhà chuyên môn để có hướng điều trị tốt hơn cho từng trường hợp.