Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách sơ cứu đồ điện tử bị ngấm nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đồ điện tử rất nhạy cảm với nước và độ ẩm, tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều biết cách bảo quản các thiết bị của mình trong những ngày mưa ngập kéo dài hoặc sơ cứu chúng khi không may bị ngấm nước hay ẩm.

Điện thoại di động (ĐTDĐ), laptop, máy ảnh và một số thiết bị điện tử khác nếu gặp mưa rất dễ hỏng hóc. Sau đây là một số biện pháp để khắc phục:

- Với máy ảnh, thông thường, khi ẩm sẽ không "chết" ngay. Người dùng vẫn có thể bật lên, nhưng máy sẽ hoạt động chập chờn hoặc báo lỗi. Trong trường hợp này, bạn nên mang đến các cửa hàng sửa chữa để được kiểm tra và bắt bệnh chuẩn xác.

Tệ hại hơn là trường hợp máy ảnh bị ngấm nước. Nếu không may rơi vào tình huống này, việc đầu tiên cần làm là tháo pin rồi sấy khô máy. Sau đó, nếu không hiểu biết nhiều về đồ số, bạn nên mang máy đến các cửa hàng sửa chữa để kiểm tra. Những hỏng hóc thường gặp trong trường hợp này là cháy IC nguồn, "chết" mainboard (bo mạch), motor ống kính và dây zoom.

Chi phí sửa chữa và thay thế những linh kiện này khá lớn. Với những máy du lịch cỡ nhỏ, đời thấp, chi phí thay mainboard có thể lên tới 40-50% giá trị máy, còn với những máy cao cấp hơn, linh kiện này cũng có giá tương đương 25-30% giá máy. Trường hợp hỏng motor ống kính thường xảy ra ở những mẫu máy siêu zoom, chi phí thay mới lên tới 100 USD. Rẻ nhất có lẽ là thay dây zoom ống kính, chỉ mất từ 300.000 đến 400.000 đồng.

Một điều cần chú ý khi mang máy đi sửa là không nên "táy máy" mở ra kiểm tra trước ở nhà, đến khi không làm được gì rồi mới đem đến cửa hàng. Theo một nhân viên kỹ thuật của một cửa hàng máy ảnh có tiếng tại Hà Nội, những chiếc máy đã bị chủ nhân "chọc ngoáy" trước khi đem ra hàng thường bị tính phí sửa chữa đắt hơn so với khi mang máy nguyên trạng ra cho thợ kiểm tra.

- Thói quen để ĐTDĐ ở túi áo, túi quần của bạn rất dễ khiến chúng bị ướt khi gặp mưa. ĐTDĐ ngấm nước sau 20 giây phần cứng có thể tê liệt, hỏng. Vì vậy bạn không nên bật máy sau khi ĐTDĐ bị dính nước để tránh chập điện. Việc cần làm là phải rút điện, tháo pin nhanh để giữ an toàn cho các bảng mạch (iPhone khó tháo lắp pin cũng phải tháo sớm hoặc tắt nguồn).

Khi bị dính nước, nhiều người hay sơ cứu điện thoại bằng cách lau khô bằng giấy lụa, giấy báo hoặc hong nắng, hong quạt cho bay hơi nhanh hay dùng máy sấy, cho vào tủ lạnh…để hút ẩm. Tuy nhiên, theo kỹ thuật viên Quang Tuấn, nếu bạn không có kiến thức về ĐTDĐ thì không nên tự làm khô, nhất là làm khô bằng cách để vào tủ lạnh, máy làm kem… vì có thể hại cho máy, màn hình LCD. Các cách làm khô trên chỉ làm khô được bề ngoài, nếu nước đã ngấm vào vi mạch thì chỉ có thợ mới xử lý được.

Máy sấy tóc và các biện pháp làm khô khác cũng chỉ làm khô được bên ngoài, độ nóng máy sấy còn nguy hiểm vì có thể làm hư hỏng các chi tiết bằng nhựa, cục pin Lithium-ion rất nhạy cảm với nhiệt, hơi nóng của máy sấy rất dễ bị nổ, chập hoặc hỏng nặng hơn khi bật máy lại. Nguy hiểm hơn, nếu ĐTDĐ rơi vào nước muối, nước canh… càng để lâu thì tinh thể muối càng ăn mòn bảng mạch. Do đó khi máy ngấm nước, nên mang đến hãng, cửa hàng để thợ xử lý. Nếu máy bị ngấm nước muối, canh, đường… khi đưa tới thợ nhớ báo để thợ lưu ý làm sạch kỹ, giảm hỏng hóc sau này. Sau khi làm khô máy, nếu màn hình vẫn mờ là hơi ẩm vẫn còn, không nên lắp pin hay cắm sạc.

Sau khi lau khô, vệ sinh sạch sẽ các thiết bị không nên lắp lại ngay, mà để ở nơi khô thoáng tối thiểu 24 giờ để không còn hơi nước đọng rồi hãy lắp. Không phải thiết bị điện tử nào ngấm nước sẽ hoạt động bình thường trở lại, nhưng đều cần ngắt nguồn điện, tháo pin sớm, rồi đưa đến hãng hoặc trung tâm bảo hành để được thợ hỗ trợ, giảm thiểu hỏng hóc về sau.

Trời mưa màn hình ĐTDĐ dễ bị chập chờn do bộ vi xử lý bị ẩm mốc. Cần cất máy vào túi có chất chống thấm. Để đàm thoại, hãy trang bị loa có âm thanh tốt, hoặc sắm thêm tai nghe không dây (có ướt cũng khó hỏng). Đã có một số trường hợp bị sét đánh khi dùng ĐTDĐ trong trời giông, sét. Do đó khi gặp mưa giông, nên cho ĐTDĐ vào túi rồi bỏ vào cốp xe, hoặc tắt nguồn.

- Trong khi đó, "sơ cứu" máy tính phức tạp hơn so với điện thoại. Ngay khi bị nước vào, cần nhanh chóng tháo pin, ổ CD, đĩa quang và các loại thẻ còn dắt trong máy.

Cách sơ cứu đồ điện tử bị ngấm nước - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đặt laptop dạng chữ A, gập xuống nền để nước chảy ra, dùng khăn, giấy để lau và thấm những nơi nước có thể vào được. Nếu hiểu biết về kỹ thuật, người dùng có thể tháo các bộ phận máy và tiến hành sấy khô giống như điện thoại.

Có nhiều loại dung dịch lau khô, đẩy nước ra ngoài khi nước vào laptop. Tuy nhiên, trên đây chỉ là các bước sơ cứu tức thời. Lời khuyên hữu ích nhất là bạn cần mang đến thợ kỹ thuật, những người am hiểu máy tính để họ kiểm tra. Nếu không khi chưa lau khô mà vẫn sử dụng thì có thể gây chập điện, cháy, hỏng.

Khác với những thiết bị trên, TV thường hiếm khi bị ngấm nước. Tuy nhiên, trong những ngày mưa ngập vừa qua, nhiều khu vực bị mất điện trong nhiều ngày, TV không hoạt động, hơi nước trong không khí lại quá cao nên việc máy bị ẩm là chuyện bình thường. Lời khuyên ở đây là người dùng tuyệt đối không được cắm điện, bật TV khi biết chắc TV bị ẩm, bởi việc làm đó có thể gây chập hệ thống điện trong gia đình hoặc nổ cầu chì bên trong máy, phá hỏng các linh kiện bên trong TV.

Nếu nhà có điều hòa hoặc máy hút ẩm, bạn nên đóng cửa, bật điều hòa hoặc sử dụng máy hút ẩm để làm khô máy trước khi sử dụng. Nếu không, cũng có thể dùng máy sấy để sấy khô bên ngoài TV. Người nào có kiến thức về kỹ thuật có thể tháo vỏ TV ra để sấy, nhưng nhà sản xuất không khuyến khích việc làm này.

Trong trường hợp TV bị ngập nước, cách tốt nhất là nên mang đến các trung tâm sửa chữa, bảo hành để kiểm tra, bởi thông thường trong nước còn có một số tạp chất cả hòa tan lẫn không hòa tan, có thể có những tác động không lường trước được đối với bo mạch của TV. Trong quá trình sử dụng, người dùng chú ý không nên đặt máy ở những nơi bí và có độ ẩm cao như trong hốc tủ tường, tủ TV hoặc quá sát tường.