Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách thức hợp lý trong bối cảnh kinh tế hiện nay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong bối cảnh hiện nay, biện pháp mua bắt buộc ngân hàng (NH) yếu kém là một...

Kinhtedothi - “Trong bối cảnh hiện nay, biện pháp mua bắt buộc ngân hàng (NH) yếu kém là một giải pháp tích cực để đạt được mục đích yêu cầu đặt ra, bước đầu là tiền đề để tạo những bước tiếp theo trong thời gian tới” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra ý kiến tại buổi tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống NH, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập" do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tổ chức chiều 26/10.

Thời gian qua, NH Nhà nước (NHNN) mua lại 3H Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu và Đại Dương với giá 0 đồng/cổ phần vì nợ xấu đã vượt vốn điều lệ, thua lỗ không còn vốn chủ sở hữu. Các NH này không còn vốn chủ sở hữu là do kinh doanh thua lỗ và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu. Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc NHNN buộc phải mua các NH yếu kém là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào khả thi hơn trong điều kiện không áp dụng giải pháp phá sản NH để bảo vệ sự an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng và tiền gửi của người dân.

NHNN lấy nguồn vốn từ đâu để giải quyết những khoản nợ của ngân hàng này? Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát NH (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, việc NHNN mua lại các các ngân hàng với giá 0 đồng là đúng luật. Trong trường hợp tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, NHNN được quyền mua lại các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và giá trị thực của NH yếu kém do kiểm toán độc lập xác định. Trước khi thực hiện, NHNN cũng đã thuê kiểm toán độc lập đứng ra kiểm toán đối với các NH này, từ đó xác định giá trị sổ sách của NH.

NHNN đã ứng 11.000 tỷ đồng cho 3 "NH 0 đồng" dùng để chi trả khách hàng và phục vụ mở rộng kinh doanh, đồng thời sẽ thay đổi bộ máy quản trị điều hành với kỳ vọng các NH này sẽ tốt hơn. Khi NH được tái cơ cấu thành công, sự phục hồi của NH sẽ làm giá trị cổ phần, cổ phiếu tăng lên và khi đó NHNN có thể chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư khác để thu hồi vốn. Tức là sau khi NHNN “ôm” về sẽ thoái vốn và trả lại thị trường. Kinh nghiệm các nước như Mỹ cũng đã làm theo cách này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, NHNN mua lại NH yếu kém có thể là cách làm ít tổn hại nhất cho nền kinh tế. Đây là cách thức hợp lý trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, cho thấy NHNN  bắt đầu có ý thức vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Việt Nam chưa có tiền lệ nhưng một số nền kinh tế cũng từng xảy ra chuyện mua lại một NH cổ phần. Điều này cũng cho thấy sự hội nhập, tiến gần hơn đến cách làm của thế giới. Bối cảnh hiện nay, biện pháp mua bắt buộc NH yếu kém là một giải pháp tích cực để đạt được mục đích yêu cầu đặt ra, bước đầu là tiền đề để tạo những bước tiếp theo trong thời gian tới.