Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách tránh nút tải về giả mạo khi lướt web

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các trang web lừa đảo “dụ” người dùng tải về phần mềm tiện ích hấp dẫn. Nếu nhấn nút download, máy tính của bạn sẽ tràn ngập các mẫu quảng cáo, bị nhiễm virus hoặc hệ thống trở nên chậm chạp.

Hãy tham khảo các mẹo kiểm tra dưới đây đối với các link nghi ngờ là không an toàn. Các biện pháp này đều nhanh chóng tiện lợi, miễn phí và quan trọng nhất là không yêu cầu bạn phải tải về hay cài đặt.

 
Cách tránh nút tải về giả mạo khi lướt web - Ảnh 1
 Máy tính có thể gặp nguy hiểm nếu người dùng bấm nhầm nút download giả mạo

Di chuột qua đường dẫn

Thường thì các link đều hiển thị đầy đủ đường dẫn tới website mà nó trỏ tới. Bạn có thể di chuột tới trên link đó (không nhấn) và nhìn thông tin hiển thị đầy đủ nằm ở góc dưới trình duyệt web của bạn để xem nó thực chất là gì. Một số website có khá nhiều đường dẫn tới trang chủ mặc dù hiển thị khác nhau và bạn có thể nhận ra bằng cách di chuột qua chúng chứ không cần phải nhấn trực tiếp.

Cách tránh nút download giả mạo

Một số trang web còn dùng chiêu khác đánh lừa người dùng cả tin, thay vì thiết kế nút download kích thước lớn, các trang lừa đảo này hiển thị đường liên kết tải về (link) nhằm cho người dùng thấy đường dẫn tải về của một trang web an toàn, nhưng thực chất là giả mạo.

Để phòng tránh các mối đe dọa này, bạn không nhấn nút download có nhiều màu sắc, nhấp nháy. Quan sát toàn bộ trang web bạn sẽ thấy bố cục lộn xộn, xen kẽ các mẫu quảng cáo không lành mạnh. Nếu cần tải phần mềm, tiện ích bạn hãy chọn các trang web có uy tín. Còn nếu là các phần mềm miễn phí, bản vá lỗi… bạn hãy tải về từ trang web chính thức của nhà phát triển.

Thiết lập thủ công khi cài đặt phần mềm

Khi cài đặt một phần mềm mới vào máy tính, người dùng cần thực hiện một số thiết lập. Để hỗ trợ người dùng bỏ qua các thiết lập này, một số gói cài đặt phần mềm có tính năng cài đặt theo thiết lập mặc định, đây là một trong những nguyên nhân khiến máy tính của người dùng “dính” phải những thành phần quảng cáo.

Ví dụ khi cài đặt một phần mềm đồ họa, người dùng được hỏi là có muốn cài đặt thêm PC Speed (tăng tốc máy tính) không. Hầu hết người dùng thiếu kinh nghiệm sẽ giữ nguyên dấu chọn mặc định (đồng ý cài đặt) và nhấn Next. Vấn đề này đòi hỏi người dùng phải có chút hiểu biết về công nghệ và cẩn thận để phân biệt đâu là phần mềm bắt buộc cần cài đặt thêm, đâu là phần mềm ăn theo.