Ban đầu Suning Commerce Group chỉ là nhà phân phối máy điều hòa, trước khi chuyển sang buôn bán các mặt hàng điện tử như tivi, tủ lạnh, máy giặt của Trung quốc. Theo Nikkei Asian Review, năm 2014, tập đoàn đạt doanh thu 17,6 tỉ USD và lợi nhuận 140 triệu USD. Cùng với việc lấn sân sang thị trường viễn thông và tài chính, họ đầu tư sang bóng đá với cách làm chẳng giống ai.
Vung tiền “đi tắt, đón đầu”
Năm 2015, tập đoàn đã mua lại CLB Jiangsu Sainty với giá 523 triệu Nhân dân tệ, tương đương 7,25 triệu euro. Họ nhanh chóng đổi tên Jiangsu Sainty thành Jiangsu Suning với hy vọng dùng bóng đá để làm bàn đạp ra châu Âu. Ngay lập tức Jiangsu Suning vung tay ký những hợp đồng đình đám như bỏ ra 32 triệu euro để đưa Ramires từ về hay người đồng hương Brazil của anh, Alex Teixeira đến từ Shakhtar Donetsk với giá kỉ lục là 50 triệu euro.
Không lâu sau một cầu thủ người Brazil khác là Jo, cựu tiền đạo của Man City, hậu vệ người Australia, Trent Sainsbury cũng gia nhập sân Tô Châu của “gã nhà giàu” mới nổi. Trên băng ghế chỉ đạo là một cái tên không kém phần nổi tiếng HLV Dan Petrescu, cựu hậu vệ của Chelsea.
108 ngày, kể từ khi vô địch Giải bóng đá Chinese Super League (CSL) Jiangsu Suning đã chính thức khai tử. Ảnh CLB |
Đây là giai đoạn các ông chủ giải CSL tung tiền mời các chiến lược gia hàng đầu thế giới như Luis Felipe Scolari, Manuel Pellegrini, Felix Magath, Fabio Capello, Rafa Benitez,…Các nhà quản lý bóng đá công khai mục tiêu đưa ĐT Trung Quốc trở lại với World Cup sau lần đầu tiên tham dự vào năm 2002.
Triệu phú họ Trương của Suning còn tài trợ cho CSL và mua luôn công ty truyền thông sở hữu bản quyền truyền hình của giải bóng đá Trung Quốc. Năm 2016, Suning còn mua cổ phần của Inter Milan và hiện là cổ đông lớn nhất (69% cổ phần) của đội bóng Italy. Năm 2011, khi cuộc cách mạng chống tham nhũng đã cải thiện hình ảnh của CSL với việc nhiều CĐV đến sân và theo dõi qua truyền hình hơn nhiều hơn. Ngoài Jiangsu Suning thì Guangzhou Evergrande và Shanghai Shenhua cũng vung tiền chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu từ nước ngoài về. Các ông chủ cho rằng “đi tắt, đón đầu” như thế nhanh đem thành tích về hơn là chăm lo đào tạo bóng đá trẻ, phát triển bóng đá học đường.
Một cuộc chơi lớn đã giúp Suning từ chỗ có hơn 1.300 cửa hàng tại 231 thành phố ở Trung Quốc, tập đoàn đã mở rộng phạm vi kinh doanh lên hơn 1.600 cửa hàng ở hơn 700 thành phố và còn tiếp tục tăng. Nhưng “game bóng đá” này đã tiêu tốn của Suning 3 tỷ USD trong 5 năm, trong đó riêng gần 2.000 ngày đầu tư vào CLB Jiangsu Suning tốn khoảng 800 triệu USD.
Nhà vua băng hà
Nhưng khi tiền nuôi đội bóng phụ thuộc vào hầu bao kinh doanh của ông chủ họ Trương thì rủi ro ngày càng cao. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho ngày 12/11/2020 là cột mốc huy hoàng nhất trong lịch sử CLB Jiangsu Suning không được kéo dài. Đội bóng do HLV người Romania Cosmin Olaroiu dẫn dắt đánh bại thế lực số một của bóng đá Trung Quốc là Guangzhou Evergrande (Quảng Châu Hằng Đại) với tỉ số 2-1 sau hai lượt trận chung kết mùa giải Chinese Super League (CSL) đã không kéo dài được lâu.
Kinh doanh khó khăn, Tập đoàn Suning đã tìm mọi cách bán tống, bán tháo đội bóng này trong suốt nửa năm qua. Ban đầu CLB được định giá 300 triệu USD, nhưng không có nhiều doanh nghiệp mặn mà. Rốt cuộc cái giá của nhà vô địch Trung Quốc được rao bán với giá 0 đồng, nhưng chẳng có ai muốn giang tay nhận về để rồi gánh lấy khoản nợ gần 80 triệu USD, trong đó chủ yếu là lương cầu thủ và HLV.
13h15, ngày 28/2 chỉ 4 giờ trước thời điểm Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) ấn định để các CLB hoàn thiện hoàn tất hồ sơ đăng ký tham dự mùa giải CSL 2021. Jiangsu Suning tuyên bố khai tử. Nhà vua sân cỏ Trung quốc chỉ tại vị đúng 108 ngày kể từ khi chạm đỉnh cao nhất trong lịch sử, đã lặng lẽ biến mất khỏi bản đồ bóng đá Trung Quốc.
16 đội bóng thuộc ba giải hạng cao nhất phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động trong năm 2020. Ảnh CNN |
Cùng chung với số phận của Jiangsu Suning còn có 16 đội bóng thuộc ba giải hạng cao nhất phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động trong năm 2020. Theo quy định của CFA, các CLB tham dự CSL bị giới hạn chi tiêu quá 600 triệu tệ (khoảng 90 triệu USD) mỗi năm nhưng do nhiều năm vung tay quá trán, nên giờ đây kiếm được 50 triệu USD/năm để tồn tại cũng là gánh nặng quá lớn cho các nhà tài trợ.
Bóng đá Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn. Việc không đi theo đúng con đường mà các giải nhà nghề thế giới, sống chủ yếu bằng hầu bao của các triệu phú Trung quốc giờ đã phải trả giá. Câu chuyện Jiangsu Suning đang nóng hổi và khiến cho không ít nhà quản lý CLB V.League giật mình.