Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cái bẫy” nơi hậu trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2013, Việt Nam sẽ không có Đại sứ du lịch, thời hạn tìm ứng cử viên cho vị trí này phải kéo dài thêm 6 tháng, nhiều nghệ sĩ đồng loạt "đánh tiếng" sẽ làm hồ sơ ứng cử thay chiêu bài PR... là kết quả sau những thông tin bị đẩy qua đẩy lại quá đà về hành trình đi tìm Đại sứ du lịch Việt Nam.

 Truyền thông quá đà

Theo kế hoạch ban đầu, cuối tháng 4/2013, sau khi lấy ý kiến thăm dò của công ty lữ hành du lịch, giới truyền thông; hoàn thiện quy chế bổ nhiệm Đại sứ du lịch... Cục Hợp tác quốc tế sẽ tuyển chọn vị trí Đại sứ du lịch nhiệm kỳ mới. Những tưởng doanh nhân kiêm diễn viên Lý Nhã Kỳ sẽ là ứng viên số 1 cho vị trí này, bởi bỏ qua những ồn ào không đáng có ở nhiệm kỳ đầu tiên, Lý Nhã Kỳ được đánh giá là gương mặt có tầm ảnh hưởng xã hội, có khả năng vận động sự ủng hộ kinh tế của các tổ chức nước ngoài và nhiệt tình tham gia công việc. Bằng chứng là Lý Nhã Kỳ nhận được 34/39 lá phiếu ủng hộ của truyền thông trong lần thăm dò vừa qua.

Cho dù trong suy nghĩ là ủng hộ, nhưng giới truyền thông không bao giờ hết tò mò về giấy tờ chứng thực bằng cấp và hoàn cảnh con liệt sĩ của một người thích "nổ" chuyện váy áo, tiền bạc như Lý Nhã Kỳ. Chính vì vậy, sau khi Cục Hợp tác quốc tế công khai các giấy tờ cá nhân của cô với báo giới trong cuộc họp báo sáng 13/3, gần 2 tiếng sau trên hàng loạt các trang báo mạng là cuộc bình luận về thân thế, tiểu sử Lý Nhã Kỳ. "Con giun xéo lắm cũng quằn", sau một năm hứng đủ lời đàm tiếu, sự việc ngày 13/3 khiến lòng tự ái của cô "chạm đỉnh" cùng với lá thư gửi báo chí và Cục Hợp tác quốc tế xin rút khỏi vị trí ứng cử viên Đại sứ du lịch nhiệm kỳ 2013 - 2014.

“Cái bẫy” nơi hậu trường - Ảnh 1

Diễn viên Lý Nhã Kỳ đã rút khỏi vị trí ứng cử viênĐại sứ du lịch nhiệm kỳ 2013 - 2014.

Sau lá đơn xin rút lui của Lý Nhã Kỳ, nhiều nghệ sĩ - những cái tên được công chúng biết đến chút ít, thậm chí vô danh, với nhan sắc tầm tầm, tự dưng lại nổi như cồn vì "đánh tiếng" sẽ làm hồ sơ ứng cử Đại sứ du lịch. Đếm sơ sơ, trong vòng một tháng qua, trên báo chí có hàng trăm bài viết về hơn 10 ứng viên dự kiến, từ việc "đánh tiếng" tham gia, bày tỏ sự cảm thông với Lý Nhã Kỳ đến kể công, kể tiểu sử... Đó là chưa kể, khi Á hậu Châu Mộng Như xuất hiện với một bức tâm thư tha thiết, như thể đã sẵn sàng lên đường làm đại sứ bằng chiếc va ly nặng 8 kg, thì truyền thông trở thành công cụ để đạo diễn Lê Hùng Phương đòi nợ.

Nếu nhìn lạc quan về hiện tượng các người đẹp ào ào nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển làm đại sứ trong mấy ngày qua, người ta có quyền vui khi thấy showbiz Việt xem niềm vinh dự được làm nghĩa vụ cho quốc gia lớn hơn sự hy sinh bản thân. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Hợp tác quốc tế, cho đến chiều 5/4, mới có 4 cá nhân chính thức nộp hồ sơ tham gia cuộc đua này. Vậy là truyền thông đã thua nghệ sĩ trong nước, vốn rất giỏi sử dụng chiêu trò tạo scandal - cách mua danh giá rẻ và hiệu quả. Giữa mục đích tìm người xứng đáng và bản tính soi xét, những người làm truyền thông vô tình rơi vào cái bẫy lợi dụng của những kẻ vì lợi ích riêng tư phía hậu trường.

Long đong vì quy chế

Câu chuyện bổ nhiệm Đại sứ du lịch trở nên ồn ào một phần phải trách những người quản lý văn hóa quá vội vàng, hấp tấp khi đưa ra các quyết định. Bởi trước những hành động vội vã bổ nhiệm vị trí Đại sứ du lịch hồi tháng 9/2011, báo chí và dư luận không khỏi băn khoăn về tình trạng chức danh có trước, quy chế chính thức có sau. Và sau khi Lý Nhã Kỳ được bổ nhiệm Đại sứ du lịch nhiệm kỳ 1, Bộ VHTT&DL mới ban hành Quy chế Bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ du lịch Việt Nam. Số phận của quy chế này tiếp tục long đong khi vừa ra đời, chưa kịp tuyển Đại sứ du lịch cho nhiệm kỳ tiếp theo thì lại quyết định thay đổi.

Cho đến trước ngày dự kiến bổ nhiệm vào đầu tháng 4/2013, Cục Hợp tác quốc tế vẫn tỏ ra loay hoay, trưng cầu ý kiến, xin thay đổi quy chế. Chính vì vậy, đợt tuyển Đại sứ du lịch nhiệm kỳ mới càng không suôn sẻ khi diễn viên Lý Nhã Kỳ rút lui và khi Bộ VHTT&DL tiếp tục lùi thời hạn nộp hồ sơ tới 31/10, đồng nghĩa với việc năm 2013 không có Đại sứ du lịch. Thêm nữa, Bộ VHTT&DL quyết định thời hạn của các nhiệm kỳ sẽ kéo dài đến 2 năm, bổ nhiệm thêm các chức danh Đại sứ du lịch Việt Nam ở khu vực trên thế giới.

Vẫn biết, công việc của Đại sứ du lịch Việt Nam là công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", song để tìm được gương mặt xứng đáng, gây được thiện cảm trong mắt công chúng, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam, rất cần sự tỉnh táo của cả giới truyền thông và của những người giữ vai trò bổ nhiệm chức danh này.