Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách chính sách tài chính phải gắn liền với giải quyết vấn đề môi trường

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để cải cách chính sách tài chính, quan điểm của Bộ Tài chính là phát triển phải trên cơ sở hiệu quả, bền vững, bao trùm. Với quan điểm đó, phát triển chính sách tài chính – ngân sách phải đảm bảo thúc đẩy các vấn đề xã hội, trọng yếu là xóa đói giảm nghèo, đảm bảo dịch vụ công cần thiết với chất lượng đạt yêu cầu của khu vực và quốc tế.

Tại Diễn đàn Tài chính năm 2019 ngày 19/9/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, để phát triển nhanh và bền vững chính sách tài chính không thể không nhắc tới đó là phát triển nhưng phải đi liền giải quyết môi trường, đảm bảo sự bền vững phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia ảnh bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
       Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn
Với yêu cầu và mục tiêu phát triển trong trung hạn 2020-2020 và dài hạn 2020- 2030, Thứ trưởng cũng lo ngại không phát triển được ở mức độ 7-7,5% trong 10 năm tới thì sẽ không còn cơ hội để phát triển.
Do vậy, tại Diễn đàn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã cùng đánh giá lại thực trạng hiện nay của chính sách tài chính của Việt Nam, góp phần tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó chỉ ra được những thách thức tồn tại của chính sách này. Các vấn đề đã đươc thảo luận gồm giải pháp để chặn đứng tình trạng quản lý tài sản công kém hiệu quả, lãng phí của quản lý sử dụng đầu tư công, tài chính công; đổi mới thể chế chính sách để thúc đẩy dịch vụ công quan trọng cho cộng đồng dân cư và nền kinh tế; chính sách liên quan đến phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền, giữa người dân và doanh nghiệp. Các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng được nhấn mạnh. Với yêu cầu khu vực này không chỉ đóng góp 10% trong GDP mà phải từ 20-25%, phấn đấu trong 10 năm tới, có 6-10 doanh nghiệp tư nhân trong top 500 của thế giới. Có như vậy mới đưa khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Ngoài ra, các chuyên gia đã đánh giá để sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính công, đẩy mạnh đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết các vấn đề bất cập, như: thị trường chứng khoán tuy phát triển khá nhưng trái phiếu doanh nghiệp dường như quá nhỏ bé, trên 9% so với GDP (nhỏ so với dư nợ tín dụng 132%); trong đó còn nhiều tranh luận về cơ cấu của 9% này (cho sản xuất, dịch vụ, đổi mới sáng tạo…). Huy động nguồn lực của kinh tế tư nhân trong hợp tác công tư, đầu tư phát triển hạ tầng đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.