Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách chính sách tiền lương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện vẫn phổ biến tình trạng trả lương còn mang tính “cào bằng”, cán bộ, công chức được trả theo chức vụ, chức danh nghiệp vụ chuyên môn, thâm niên công tác; “làm nhiều, làm ít cũng hưởng lương như nhau”, tiền lương chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác của cán bộ, công chức.

Về nội dung chính sách tiền lương: Quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa chưa hợp lý, hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức và người lao động có hệ số lương thấp. 

Hiện vẫn phổ biến tình trạng trả lương còn mang tính “cào bằng”, cán bộ, công chức được trả theo chức vụ, chức danh nghiệp vụ chuyên môn, thâm niên công tác; “làm nhiều, làm ít cũng hưởng lương như nhau”, tiền lương chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác của cán bộ, công chức.

Về mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu vùng: Mức lương tối thiểu hiện nay chưa thật sự phù hợp với cơ chế thị trường, dù liên tục điều chỉnh nhưng tăng vẫn không kịp so với tốc độ trượt giá và mức tăng trưởng của nền kinh tế

Việc tăng mức lương tối thiểu trong thời gian qua chưa góp phần cải thiện đời sống của người làm công ăn lương, nhất là người lao động làm việc trong doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, như lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến hải sản… Chính sách tiền lương chưa thực sự là đòn bẩy khuyến khích được cán bộ, công chức và người lao động nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, phát huy năng lực trong thực thi công vụ. Nhiều công chức, viên chức, trong đó không ít đội ngũ trẻ, có trình độ chuyên môn cao chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp có mức lương cao như các công ty dầu khí, công ty nước ngoài.

Hệ thống thang, bảng lương hiện nay còn rườm rà, khoảng cách giữa các bậc lương chênh lệch không đáng kể so với thời gian nâng bậc; một số chế độ phụ cấp chưa phù hợp, hệ số lương khởi điểm các ngạch có trình độ đại học 2,34; ngạch nhân viên văn thư 1,35; nhân viên phục vụ 1,0 là quá thấp chưa khuyến khích người lao động trong sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hiện tại, các ngạch công chức, viên chức vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức từ năm 1994 do Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) ban hành. Tuy nhiên, một số tiêu chuẩn ngạch đến nay không còn phù hợp như: ngạch hành chính, kỹ thuật (nhóm 13...), ngạch văn hóa (nhóm 17...), ngạch nhân viên quản lý thị trường có mã số ngạch mới, nhưng chưa có quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ, hiện vẫn áp dụng tiêu chuẩn của ngạch công chức ngành thuế,...

Mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được quy định không vượt quá một lần mức lương tối thiểu và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là quá thấp, không phù hợp với tính chất công việc đảm nhận. Thực tế tại địa phương, các đối tượng này vẫn làm việc trong thời gian hành chính cùng với cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã, họ vẫn phải có trình độ chuyên môn nghiệp.

Một số đề xuất góp phần cải cách tiền lương

Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp, dịch vụ công: Tiếp tục mở rộng quan hệ tiền lương (tối thiểu - trung bình - tối đa) nhằm khắc phục triệt để tính cào bằng trong chi trả lương hiện nay, phát huy khả năng, trí tuệ của mọi người trong lao động, sản xuất, động viên khuyến khích người có tài, có trình độ yên tâm công tác trong khu vực công nói chung.

Cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội. Trên cơ sở đó hình thành các cơ chế tiền lương (hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp) ngày càng phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo động lực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Cải cách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính (tinh giản biên chế, thu gọn tổ chức, bộ máy); nâng cao năng lực của cán bộ, công chức và người lao động hưởng lương trong tất cả các khu vực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ mới.