Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số: Thực chất, hiệu quả vì người dân

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là yêu cầu được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải - Tổ trưởng Tổ công tác thúc đẩy chuyển đổi số giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số TP đưa ra tại cuộc họp của Tổ công tác, diễn ra chiều 4/10.

Theo báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), quá trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) gắn với chuyển đổi số tại TP Hà Nội đang có một số điểm nghẽn. Đây là những rào cản khiến kết quả đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp DVC của Hà Nội chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, để khắc phục những điểm nghẽn đang tồn tại, UBND TP Hà Nội cần đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 là địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn của Đề án 06, cần hoàn thành trong Quý 4/2023. Tập trung xử lý hồ sơ công việc toàn trình và liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản điều hành với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó là tăng cường công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC, bảo đảm 100% hồ sơ TTHC phải được cập nhật, công khai, theo dõi, đánh giá trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP và đồng bộ với Cổng DVC Quốc gia; đồng thời đẩy mạnh số hoá kết quả giải quyết TTHC theo Nghị định 45 và Nghị định 107. Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP với CSDL Quốc gia về dân cư, các CSDL Quốc gia, CSDL chuyên ngành và kho dữ liệu trên Cổng DVC Quốc gia để tái sử dụng dữ liệu. Rà soát, chuẩn hóa toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của TP; nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm.

Triển khai thực hiện Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp và thực hiện phân cấp, ủy quyền giải quyết TTHC trên địa bàn TP. Nâng cao trách nhiệm giải trình; thực hiện tốt tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; nâng cao mức độ hài lòng trong thực hiện TTHC, DVC. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, định kỳ hàng tuần công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, công khai danh sách cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức chậm muộn, thực hiện TTHC không đúng quy định. Để tạo động lực và quyết tâm cho cán bộ, công chức các cấp, đề nghị UBND TP phát động chiến dịch 60 ngày đêm tập trung xử lý hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, kết quả thực hiện là căn cứ đánh giá, xếp loại thi đua năm 2023, ông Ngô Hải Phan chia sẻ.

Đồng ý với những điểm nghẽn mà quá trình thực hiện TTHC và cung cấp DVC của Hà Nội đang gặp phải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải yêu cầu các đơn vị có liên quan ngay lập tức đưa ra giải pháp nhằm khắc phục, ưu tiên những việc nào có thể làm sẽ làm trước. Đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ trợ giúp TP trong việc nâng cao chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp DVC, đặc biệt là việc chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu ...

Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, việc thực hiện DVC, TTHC liên quan trực tiếp tới người dân nên phải thực chất và hiệu quả. Cần phải làm rất thật vì người dân chứ không thể chỉ đề ra con số mục tiêu rồi để đấy hoặc triển khai rất chậm. Do vậy, các sở, ban, ngành không chỉ đặt ra các nhiệm vụ chung mà còn phải xây dựng tiêu chí cho từng nhiệm vụ con nhằm nâng cao chất lượng DVC và TTHC.

Mục tiêu Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách TTHC thì không dám hứa nhưng chắc chắn sẽ nằm trong top đầu. Đây là câu chuyện trách nhiệm của TP chứ không phải là mong muốn hay không nữa, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải khẳng định.