Ông Hà đưa ra 7 lý do để giải thích cho sự quan trọng của việc cần thiết phải cải cách hành chính với phát triển kinh tế- xã hội.
Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Đồng thời, đây cũng là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp, cũng như có nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ hai, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung cải cách như cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy, thì việc lựa chọn cải cách thủ tục hành chính sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
Thứ ba, thông qua cải cách thủ tục hành chính, có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, qua đó xây dựng bộ máy phù hợp và có thể lựa chọn đội ngũ cán bộ công chức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu công việc, vừa đáp ứng tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính là tiền đề để thực hiện ba khâu đột phá chiến lược và các nội dung cải cách khác như nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức, phân cấp, phân quyền, phân công, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, doanh nghiệp số.
Thứ năm, thông qua cải cách thủ tục hành chính sẽ gỡ bỏ rào cản với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro; đồng thời, tăng thu, giảm chi, nhất là giảm chi cho bộ máy hành chính và giảm chi chính thức, phi chính thức.
Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính góp phần ngăn chặn bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, lạc hậu về văn hóa xã hội, tham nhũng, lãng phí về nguồn lực; nâng cao hình ảnh của Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương trước cộng đồng trong nước và quốc tế.
Thứ bảy, cải cách thủ tục hành chính thời gian qua còn hạn chế, yếu kém. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cơ quan hành chính nhà nước, một số cán bộ, công chức trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra...
Đề cập về việc phân cấp, phân quyền, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho biết, để tạo điều kiện cho một tỉnh, một vùng có thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần một hệ thống cơ chế, thể chế hoàn chỉnh, thống nhất và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đặc biệt về các lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, đầu tư.
Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và chủ động cho địa phương, đại biểu đề nghị phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cụ thể các vấn đề. Đối với các công trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác không phân biệt quy mô diện tích. Đối với các công trình dự án khác giao Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên dưới 20ha.