Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Cải cách lương công chức phải đủ sống"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiền lương công chức không đủ sống, khiến nhiều người phải làm thêm để mưu sinh là vấn đề được nhiều chuyên gia yêu cầu giải quyết trong định hướng cải cách lương sắp tới.

Tại hội thảo "Định hướng cải cách chính sách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2020" vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết mục đích của đợt cải cách sắp tới là tiến tới đảm bảo cho công chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội. Đồng thời, gắn cải cách tiền lương với cải cách hành chính để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, mức lương tối thiểu chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011. Con số này là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu hạn chế. Theo đó, có 3 phương án tăng lương trong giai đoạn 2013-2020: 2 triệu, 1,68 triệu và 3,15 triệu đồng.

Đánh giá về dự thảo, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chuyên gia về lao động, tiền lương cho rằng trong đề án còn nhiều khoảng trống về phạm vi, đối tượng công chức. "Ai là cán bộ, có bao gồm lái xe, nhân viên phục vụ, bảo vệ không? Tại sao không xem xét định hướng tiền lương của Bộ trưởng và tương đương, trong khi vẫn xem xét tiền lương của Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Bộ trưởng bộ Quốc phòng...", ông Lợi nêu ra.

Chuyên gia này cho rằng nếu đưa ra mục tiêu "Cán bộ, viên chức đủ sống bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội" là mơ hồ vì khái niệm "mức sống trung bình khá trong xã hội" là gì, do ai xác định và cách xác định ra sao? Theo ông Đặng Như Lợi, tiền lương của công chức phải là nguồn thu chính đảm bảo cuộc sống của bản thân, gia đình họ, giúp họ yên tâm làm việc, thay vì phải làm thêm những việc ngoài chuyên môn hay trông chờ vào các khoản thu nhập khác.

Đồng quan điểm như vậy, TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội cũng đặt câu hỏi "Hiện nay, ai được coi là công chức?". Bởi khi số lượng cán bộ quá nhiều, ai cũng là cán bộ thì đương nhiên tiền lương sẽ bị giảm xuống.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Dũng cho rằng tiền lương lâu nay đã quá lạc hậu và không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Theo ông, cải cách lương công chức lần này chỉ thành công khi phá được vòng luẩn quẩn đó. "Công chức mà lại không sống bằng lương là tai họa. Vấn đề này được đưa ra nhiều trong lần cải cách lương năm 1993 và năm 2004 nhưng vẫn chưa giải quyết được", ông nói.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Cầu, Chủ nhiệm khoa Kinh tế Lao động, trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng mục tiêu cải cách tiền lương tiến lương tiến tới đảm bảo đủ sống cho cán bộ, công chức cần xem xét kỹ trong điều kiện kinh tế hiện nay. Nếu không, nó sẽ chỉ là câu tuyên ngôn.

Ông Trần Xuân Cầu chia sẻ, "'tiến tới' là bao giờ? Đến năm 2020 hay sau đó? Bởi đề án ở đây nói về cải cách đến năm 2020 chứ không phải cải cách nói chung. Liệu trong 8 năm tới, chúng ta có thể chuyển từ chưa đáp ứng sang mức trung bình khá và sống được bằng lương không?".

Chuyên gia này giải thích bằng việc dẫn số liệu từ một cuộc khảo sát về tiền lương mới đây của Bộ Nội vụ. Trong đó, 98% công chức cho rằng mức lương tối thiểu thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương. Do vậy, ông kiến nghị chuyển thành "Cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới đảm bảo cho cán bộ, công chức sống được chủ yếu bằng tiền lương ở mức trung bình trong xã hội".