Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách thuế còn nhiều gian nan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Báo cáo mới nhất về "Môi trường kinh doanh 2015 xa hơn và hiệu quả hơn" của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang là nước có số giờ nộp thuế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với 32 lần nộp tổng số 872 giờ.

Thứ hạng thấp không thay đổi của Việt Nam trong các báo cáo mới công bố đang tạo ra sức ép không nhỏ đối với các nhà quản lý.

Giảm dần khoảng cách

Tại Hội thảo “Chỉ số nộp thuế và Đề xuất cải cách cho Việt Nam” do WB, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức sáng 15/1, bà Joanna Nasr -đồng tác giả Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB cho hay: Đến nay, Việt Nam đã có những thông lệ tốt, đó là cơ chế tự khai, tự nộp và đang hướng tới tiêu chí thứ hai là triển khai nộp thuế điện tử (hiện đã đạt được trên 90%)... Dưới con mắt của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang đi đúng hướng trên lộ trình cải cách hệ thống thuế và tiết giảm thủ tục hành chính.

 
Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Linh
Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Linh
Tuy vậy, theo các chuyên gia, những hoạt động chính làm tăng gánh nặng tuân thủ thủ tục thuế, bảo hiểm bắt buộc của Việt Nam đó là quá trình thu thập chứng từ cần thiết để chuẩn bị tờ khai thuế thu nhập DN, báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, nộp các chứng từ kèm theo… Hơn nữa, thuế suất trung bình của Việt Nam cao hơn khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, DN Việt Nam phải mất 40,8% lợi nhuận để nộp thuế trong khi mức trung bình của ASEAN chỉ là 31,4%.

Bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, với việc thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19/NQ - CP của Chính phủ, kết thúc năm 2014, số giờ khai, nộp thuế từ 537 giờ/năm đã giảm xuống còn 167 giờ/năm. “Trong báo cáo của WB, số lần thanh toán thuế mỗi năm là 32, tổng thời gian phải mất cho việc này là 872 giờ. Ngoài các khoản thuế, WB còn tính cả các khoản phải nộp khác của DN như đóng BHXH, y tế, thất nghiệp... Những con số này, theo WB, được ghi nhận từ tháng 6 trở về trước, điều này có nghĩa là nỗ lực của ngành thuế gần đây chưa được tính vào xếp hạng của năm nay” - bà Lan Anh giải thích. Tuy nhiên, cũng theo bà Lan Anh, để đạt mục tiêu tiếp tục giảm còn 121,5 giờ vào năm 2015, từ nay đến cuối năm, ngành thuế phải phấn đấu giảm thêm hơn 100 giờ nữa.

Ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thông tin, hiện, ngành bảo hiểm đã giảm được hơn 100 giờ, và đến cuối năm 2015, BHXH Việt Nam sẽ giảm được số giờ thực hiện xuống còn 49,5 giờ, bằng mức bình quân của các nước ASEAN 6.

Phải là quá trình liên tục

Tại Hội thảo, các chuyên gia của WB, IFC đã chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn của nhiều nước trong cải cách hành chính thuế, tăng cường quản lý thuế và tránh gian lận về thuế, nhất là trong lĩnh vực chuyển giá; bên cạnh đó là kinh nghiệm của một số nước trong khu vực liên quan đến vấn đề này và những đáp ứng của Việt Nam trước những đòi hỏi bức thiết của việc cải cách và tăng cường giám sát quản lý thuế. Các dữ liệu cho thấy, trong năm qua, nhiều nền kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để DN nộp thuế: Liên bang Nga - không cần phải điều chỉnh thuế GTGT với từng hóa đơn GTGT mà chỉ cần điều chỉnh mỗi năm một lần; Trung Quốc tạo điều kiện tuân thủ bằng cách đơn giản hóa thủ tục và hệ thống kê khai nộp thuế qua mạng, giảm thuế suất thuế thu nhập DN xuống còn 25% (trước là 33,3%), thống nhất các cơ chế thuế đối với DN trong nước và DN nước ngoài; Hàn Quốc sáp nhập một số loại thuế (thuế quy hoạch đô thị sáp nhập với thuế tài sản…).

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, việc cải cách chính sách phải tính đến vấn đề phải đảm bảo tính bền vững, vì nếu không tính toán đầy đủ, sẽ có những thách thức hội nhập sau năm 2015, khi đó, nhiều nước lại tiếp tục thay đổi, cải cách với những tiêu chuẩn mới... Cũng theo bà Cúc, chỉ mỗi nỗ lực của ngành thuế là chưa đủ, khi mà môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bị xếp hạng 78/189 quốc gia. Rõ ràng, khi Việt Nam mới khởi động thì thế giới đã vượt lên phía trước quá xa.