Và người ta nhận ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến dư luận nổi sóng thời gian vừa qua là do đang có một cuộc chiến thực sự quanh cái ghế được cho là bỏ trống ở VPF.
Vạch áo cho người xem... nhau
Mới đây, cuộc họp tổng kết giải đã biến thành màn “đấu tố” khi Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đứng lên tố cáo Trưởng Ban tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc “không biết điều hành”, rồi “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Một Phó Tổng giám đốc khác của VPF là Phạm Phú Hòa bị chỉ trích là “4 năm không mang lại một xu” nhưng tiêu tốn hàng tỷ đồng.
Cách đốp chát của ông Hùng khiến nhiều người sốc. Người bị chỉ trích thì lâm vào tình cảnh “cứng khẩu”, chẳng thể phân bua. Trong khi đó, những người điều hành Hội nghị tổng kết giải thì bối rối vì cách đặt vấn đề này không nằm trong kịch bản.
Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn phát biểu tại buổi họp tổng kết giải.
|
Có điều, sau khi quả bom được kích nổ, người ta nhận ra rằng, có điều gì đó cấn cá trong những chỉ trích nhắm vào 2 vị Phó Tổng giám đốc VPF. Mọi việc dần được sáng tỏ khi ông Hòa chính thức đăng đàn khẳng định rằng, những chỉ trích nhắm vào mình và ông Ngọc chỉ là một phần trong âm mưu nhằm triệt hạ uy tín cá nhân. Rằng, có người không muốn ông và ông Ngọc ngồi vào chiếc ghế mà Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn theo quy định phải nhường lại. Được biết, nhiệm kỳ Tổng Giám đốc của ông Viễn đã hết vào ngày 30/9, và người tạm quyền là ông Ngọc. Điều này đã được ghi trong Nghị quyết Hội đồng quản trị VPF.
Vậy nhưng, đến hạn ông Viễn phải giao quyền bính thì sóng gió liên tục nổi lên và cái đích nhắm đến chính là các ông Phó Tổng giám đốc Phạm Phú Hòa và Nguyễn Minh Ngọc. Bao nhiêu chuyện trong nhà của VPF bằng cách này hay cách khác được chuyển ra bên ngoài và biến thành mũi tên hòn đạn bắn vào những người được cho là sẽ kế nhiệm ông Viễn.
Ghế cao, bổng lắm?
Bóng đá Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Những cố gắng trong hơn 10 năm qua chưa thể mang đến sự thay đổi về chất cho nền bóng đá. Lời kêu gọi phải đem đến cho bóng đá những nhân vật có tâm, có tầm vẫn chưa thực hiện một cách triệt để. Cuộc cách mạng về tổ chức giải với việc thành lập Công ty CP VPF vẫn chưa mang đến những đột phá. Cái ghế cao ở công ty này bỗng chốc trở thành mặt trận để các bên giành giật. Nói đâu xa, nếu chứng kiến Hội nghị tổng kết giải thì người ta không khó để nhận ra, người chỉ trích mạnh mẽ VPF nhất là ông Trần Mạnh Hùng thì lại đang cố gắng đưa Tổng Giám đốc sắp về hưu là Phạm Ngọc Viễn lên mây xanh bằng những mỹ từ đẹp nhất. Và, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu thời gian tới, tại Đại hội cổ đông, người ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến căng thẳng, và ông Phạm Ngọc Viễn - người sắp bước sang tuổi 67 sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ.
Nhiều người tự hỏi, tại sao cái ghế ở VFF, VPF được cho là rất nóng lại có sức hấp dẫn lạ kỳ đến vậy? Nó có béo bở gì mà người ta sẵn sàng dàn trận, dùng đủ chiêu thức để hạ gục đối phương nhằm thỏa ước nguyện của mình. Sau mỗi cuộc chiến, cá nhân có thể thắng nhưng nền bóng đá thì chắc chắn sẽ thua cuộc, bởi người ta không thể tìm ra những nhân vật có tầm nhìn đột phá. Chắc chắn một điều, mọi sự sẽ yên bình diễn ra như bao năm qua bởi rút cuộc, chẳng có cuộc cách mạng nào về tư duy quản lý, hay chí ít là phương pháp lãnh đạo.