Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cái khó vẫn còn bó doanh nghiệp

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh kinh tế tháng đầu năm 2018 được thống kê cho thấy, tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể giảm mạnh 27,7% so với cùng kỳ năm trước.

 Trong tháng 1/2018, cả nước đã có 10.839 DN đăng ký thành lập mới và 4.587 DN quay trở lại hoạt động, tăng 20,6% về số DN và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tuy số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng nhưng số lao động đăng ký của các DN trong tháng 1 lại giảm 18% (đạt 85.289 lao động).
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Đành rằng DN ngày càng sử dụng ít lao động là phù hợp với xu hướng chung của thế giới song cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức phải đối mặt. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, DN sẽ thay thế dần lao động của con người bằng máy móc, công nghệ, nên số lao động mà mỗi DN sử dụng giảm là xu hướng chung, nhưng cũng là con đường sống còn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đó là số DN thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tăng cao so với các ngành sản xuất nên sử dụng lao động ít đi. Hiện cả nước có 362.000 DN tham gia vào lĩnh vực dịch vụ, chiếm 70% tổng số DN, tăng 57% so với năm 2012. Ngoài ra, số lượng DN hiện vẫn chỉ là những DN nhỏ. Thực tế, số lượng doanh DN đăng ký thành lập mới trong tháng 1 phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 89,6% trên tổng số DN đăng ký mới. Số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2017 của cơ quan thống kê cho thấy, số lượng DN lớn chiếm 1,9% tổng số DN, giảm 2,3% so với năm 2012. Trong khi đó, DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng 65,5% và chiếm 74% tổng số DN.

Năm 2017 vừa qua tiếp tục là một năm kỷ lục về số DN thành lập mới với gần 127.000 DN ra đời. Song làm thế nào để có sự phát triển bền vững cho nền kinh tế vẫn là câu chuyện dài. Cùng với việc cắt bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh trong năm qua thì số doanh DN đăng ký mới trong năm 2018 dự báo sẽ vượt qua năm 2017. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để tập trung vào sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích cho chính DN và cho cả nền kinh tế, giải quyết được những thách thức về trình độ lao động, năng suất là câu hỏi cấp thiết hiện nay. Những DN phát triển bền vững phải là DN có năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cao hơn, khả năng thích ứng và hội nhập tốt hơn khi mà môi trường kinh doanh đang ngày một cải thiện hơn. Những DN lập nên, điều hành kinh doanh giỏi hay sáng tạo công nghệ, đầu tư tài chính bằng chất xám, chứ không phải là những DN dịch vụ lập nên, ăn xổi, kiếm được nhiều tiền nhờ buôn chuyến, chụp giật đầu cơ.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện để thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế được coi là điểm nhấn đáng kể trong cải cách thể chế kinh tế thời gian gần đây... Tuy vậy, vẫn còn tới gần 6.000 điều kiện kinh doanh, nhiều chính sách thiếu ổn định, khu vực DN vẫn gặp nhiều khó khăn... là điều Chính phủ cần nỗ lực rất nhiều trong năm 2018.