Diễn ra từ 20/10 đến 3/11 tại Đồng Nai, liên hoan đang được nhiều người hy vọng sẽ tạo tiền đề vực dậy nghệ thuật cải lương trong đời sống.
Đủ mặt anh tài
22 đơn vị (18 công lập, 4 ngoài công lập) cùng 27 vở diễn tham dự là con số đáng mừng đối với bất kỳ cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp nào. Nhất là trong thời điểm kinh tế suy thoái, việc dựng vở mới không dễ đối với các đoàn nghệ thuật. Hơn nữa, không ít người kỳ vọng vào liên hoan này bởi hầu hết các nghệ sĩ xếp vào hàng anh tài của sân khấu cải lương đều tham gia đông đủ. NSND Trần Ngọc Giàu góp mặt với vở "Nói dối là điều trọng tội", NSND Giang Mạnh Hà cũng quyết tâm với "Vượt qua cơn bão", "Biển và bờ", NSƯT Hoàng Quỳnh Mai hăm hở với 3 vở diễn mới là "Nguồn sáng phía chân trời", "Người đàn bà mười ba bến nước", "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long"...
Cảnh trong vở cải lương “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” của tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, Nhà hát Cải lương T.Ư.
LHSKCLCNTQ 2012 đã cận kề, thế nhưng danh sách thành viên Hội đồng Ban giám khảo (BGK) vẫn được giữ kín. Một phần vì BTC muốn tránh những trường hợp "đi cửa sau" của các đoàn nghệ thuật với thành viên BGK để tìm huy chương. Phần khác không nằm ngoài mong muốn đổi mới, trẻ hóa đội ngũ BGK với hy vọng tìm ra cách nhìn, cách đánh giá mới.
Tuy nhiên, nhìn lại một vài kỳ hội diễn, liên hoan gần đây, hầu như sự đổi mới này chưa được như mong đợi. Tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, hội đồng giám khảo đã quy tụ những tên tuổi không thật sự uy tín trong làng cải lương. Tại liên hoan sân khấu kịch toàn quốc diễn ra ở Huế hồi tháng 7 vừa rồi, sự đổi mới này cũng làm khán giả và người làm nghề thêm một lần thất vọng. Kết quả lựa chọn của BGK trong hai cuộc liên hoan ấy khiến công luận và nghệ sĩ phản ứng. Những vở diễn đạt HCV như "Tội ác quyền lực", "Những mặt người thấp thoáng", "Lũ quét"... chưa đạt độ sâu sắc về nghệ thuật cũng như tinh tế trong diễn xuất, thậm chí thua các vở không đạt huy chương về nhiều mặt. Liệu các thành viên BGK của LHSKCLCNTQ 2012 có "gánh" được niềm mong mỏi của BTC, hay lại khiến người ta thất vọng? Câu trả lời vẫn nằm ở phía trước.
Sẽ có sức sống?
Trước khi tổ chức LHSKCLCNTQ 2012, rất nhiều người lo lắng cho khả năng diễn ra liên hoan. Bởi vì, theo yêu cầu của Cục NTBD, các vở tham gia liên hoan phải chú trọng đề tài mang tính đương đại, thời sự. Trong khi đó, bản sắc của cải lương là tuồng tích màu sắc, mang không khí xưa. Hơn nữa, đề tài ca ngợi Đảng, ca ngợi sự nghiệp công nghiệp hóa, phản ánh những mặt trái của xã hội không dễ đưa vào sân khấu cải lương. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL kiêm Cục trưởng Cục NTBD Vương Duy Biên cho rằng: "Nghệ thuật không có giới hạn, nếu biết cách lồng ghép khéo léo, sân khấu cải lương vẫn có thể khai thác tốt mảng đề tài này. Trong khi đó, thời sự và đương đại đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả".
Vở diễn được đầu tư vài trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ chỉ để đi dự liên hoan, giành cơ hội tăng bảng thành tích. Rồi vở diễn lại "xếp kho", không đến được với công chúng là chuyện không lạ của sân khấu. Nhưng tại liên hoan này, bên cạnh những băn khoăn có không ít người tỏ vẻ lạc quan. "Tiêu chí đề tài thời sự và đương đại giúp cải lương đi sâu vào đời sống, khán giả ngày nay khi xem sẽ cảm nhận được nhiều hơn. Ở những liên hoan lần trước, người ta hay lo ngại các vở dự thi thường để "cúng cụ", làm xong đắp chiếu, nhưng trong đợt khảo sát trước hội diễn, tôi nhận thấy có khá nhiều vở diễn tốt, đi vào những góc khuất cuộc sống gia đình, cập nhật đời sống đương đại, nên tôi tin hội diễn lần này sẽ có những điều hay và có sức sống" - NSƯT Đỗ Kỷ cho biết.
Biết đâu với tiêu chí này, "Vượt qua cơn bão", "Biển và bờ" hoặc "Nói dối là điều trọng tội"... sẽ ăn về "hậu" LHSKCLCNTQ 2012.