Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải thiện hạ tầng, nâng cao ý thức người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông tại Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cấp.

Việc đầu tư đó đã tạo điều kiện mới cho sự phát triển mọi mặt của Thủ đô. Mặc dù vậy, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người vẫn tiếp tục xảy ra.

 
 Dự án đường sắt trên cao đi qua đường Quang Trung, quận Hà Đông sắp hoàn thành.             Ảnh: Đức Giang
Dự án đường sắt trên cao đi qua đường Quang Trung, quận Hà Đông sắp hoàn thành. Ảnh: Đức Giang

Xử phạt nhiều, tai nạn vẫn tăng

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong 11 tháng qua trên địa bàn TP đã xảy ra 1.978 vụ TNGT, làm 562 người chết và 1.666 người bị thương. Trong đó, tai nạn từ nghiêm trọng trở lên xảy ra 537 vụ. Địa bàn nội thành xảy ra 128 vụ từ nghiêm trọng trở lên (chiếm 25%); địa bàn ngoại thành xảy ra 384 vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên (chiếm 75%). Đã có hơn 30.000 trường hợp vi phạm luật giao thông bị xử phạt; hàng chục ngàn phương tiện bị tạm giữ; ùn tắc giao thông giảm sâu; TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, trực chốt ở nhiều tuyến đường; đã xử lý lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chở số người vượt quá quy định, vượt đèn đỏ. Song, TNGT vẫn không có chiều hướng thuyên giảm. Một trong những nguyên nhân được nhìn nhận là do ý thức của người tham gia giao thông vẫn còn chưa cao. Lối tư duy "đường ta, ta cứ đi" đã ngấm vào ý thức nhiều người. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, một người chồng nghe điện thoại đằng sau là vợ và con, hay hình ảnh vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng... Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cần chỉ ra, đó là công tác quản lý nhà nước về giao thông của các cấp, ban, ngành còn chưa đồng bộ. Cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội. Chế tài xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe. Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa quyết liệt, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh. 

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để cải thiện tình trạng giao thông tại Hà Nội, việc nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được xem là một trong những giải pháp căn cơ và mang tính lâu bền nhất. Thực tế, phần lớn các trường hợp vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bắt nguồn từ sự tùy tiện, thiếu tự giác, cố tình vi phạm luật giao thông của người điều khiển phương tiện. Sự vô trách nhiệm của một bộ phận người tham gia giao thông đã gây nên những cái chết oan uổng. Bên cạnh đó, sự "thực dụng và cũ kỹ" trong tư duy cũng như thiếu khoa học dự báo của các nhà làm quy hoạch đã làm cho nhiều đô thị phát triển mất cân đối, gây nên những bế tắc về hạ tầng công cộng, hệ thống giao thông. 

Dù Nhà nước đã có những đầu tư lớn vào các công trình giao thông nhưng hạ tầng vẫn như "con ngựa già phải thồ trên lưng quá nhiều hàng hóa". Hệ thống đường bộ phải ôm đồm, chồng chéo, đan xen nhiều loại hình phương tiện; đường ngang dân sinh, đường gom, cầu vượt thiếu và yếu kém... Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng cần tập trung hơn nữa xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, triển khai chiến lược phát triển phương tiện phù hợp với kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo, cấp phép lái xe; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông… 

Ngoài ra, việc nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ cũng hết sức cần thiết. Các hình thức kiểm tra, giám sát không nên chỉ nặng phong trào và bệnh hình thức, là "phát động thi đua", "ra quân" rồi để đó. TNGT sẽ khó có thể được cải thiện khi ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông và cả người quản lý, giám sát và điều hành giao thông vẫn "giậm chân tại chỗ". 

Những tai nạn thảm khốc tiếp tục diễn ra hàng ngày, hàng giờ không chỉ là lời cảnh báo, một sự thách thức của lương tâm và trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng, mà còn là nỗi đau của toàn xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp giáo dục, tuyên truyền, cần có những hình thức xử phạt nghiêm khắc để nâng cao tinh thần, ý thức tôn trọng pháp luật về giao thông, để TNGT không còn là "vấn nạn".