Trong đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ, đồng thời, có cách tiếp cận phù hợp nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành luật của người đi bộ được xem là những biện pháp căn cơ. Tránh lãng phí nguồn lực Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quan tâm rất nhiều tới vấn đề an toàn cho người đi bộ, từ việc tổ chức giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng, đến quy định xử phạt vi phạm… nhưng thực tế việc triển khai còn nhiều bất cập. Điều này được thể hiện ở việc rất nhiều cầu vượt, hầm đi bộ trên địa bàn TP hiện được bố trí chưa hợp lý, nơi cần không có, nơi có lại không chắc đã cần. Trong khi đó, vỉa hè tại nhiều tuyến đường, phố bị lấn chiếm để sử dụng vào các mục đích khác. Điều đó cho thấy, công tác quản lý lỏng lẻo hiện nay là một phần nguyên nhân hạn chế khả năng tiếp cận việc đi bộ an toàn của người dân.
Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, để có thể giải quyết được vấn đề này, cần thiết hiện nay là phải rà soát, đánh giá mức độ quan trọng của các dự án phát triển hạ tầng
giao thông đô thị, trong đó có các hạng mục công trình dành cho người đi bộ. Điều này sẽ giúp tránh lãng phí nguồn lực trong điều kiện nguồn ngân sách và kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Trọng Thái ví dụ, trên Quốc lộ 32, hiện có 4 dự án xây dựng hầm chui dành cho người đi bộ, tuy nhiên tất cả đều đang dở dang. Điều đáng nói là tại khu vực gần Công ty TNHH MTV In Quân đội có tới 2 hầm đi bộ chỉ cách nhau chưa đến 20m. Đây rõ ràng là một sự lãng phí lớn mà các cơ quan chức năng đã không tính toán tới. Việc thiếu những quy hoạch có tầm nhìn khiến lãng phí rất nhiều nguồn lực. Nói vậy là bởi có không ít công trình hạ tầng dành cho người đi bộ được xây dựng nhưng sau đó lại bỏ không hoặc phải phá bỏ cho các mục tiêu phát triển đô thị khác. Một ví dụ điển hình là cầu vượt đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh. Khi dự án cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai được phê duyệt, cầu vượt dành cho người đi bộ trị giá gần 10 tỷ đồng này đã lập tức bị phá bỏ. Tương tự, khi cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân được xây dựng, cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Trần Khát Chân cũng nhanh chóng bị dỡ bỏ. Chính sự lãng phí do thiếu quy hoạch này đã gây bức xúc trong dư luận một thời gian dài. Tăng cường tuyên truyền, xử phạt Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn đối với người đi bộ, bên cạnh việc từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật của người dân cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Thực tế, trong những năm qua, tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã có khá nhiều chiến dịch tuyên truyền về việc chấp hành luật của người đi bộ khi tham gia giao thông như Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 2 năm 2013 mà Việt Nam hưởng ứng với chủ đề "Nâng cao an toàn cho người đi bộ" tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Hay chương trình đưa giáo dục ATGT vào giảng dạy tại các cấp học phổ thông do Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện từ năm 2012... Một tổ chức cũng có nhiều chương trình góp phần đảm bảo an toàn giao thông tại Việt Nam là Quỹ Phòng chống thương vong châu Á. Những năm qua, Quỹ này đã phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, TP và chính quyền các địa phương thực hiện một số dự án như Công viên an toàn cho trẻ đi bộ, cuộc thi ảnh đi bộ an toàn cho học sinh cấp THCS trên toàn quốc, chương trình phát cặp, balô phát quang cho trẻ đi bộ… Hiện, các dự án vẫn đang được triển khai tích cực tại Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và sắp tới sẽ được đánh giá hiệu quả tổng thể, nhằm mục tiêu nhân rộng ra các địa phương khác trên cả nước. Những chương trình này đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phần người dân đối với việc đi bộ an toàn. Tuy nhiên, chưa có bất cứ một khảo sát nào đánh giá hiệu quả cụ thể của các dự án trong thay đổi suy nghĩ của người dân đối với việc đi bộ. Và thực tế, lượng người tiếp cận với những thông tin về ATGT liên quan tới người đi bộ còn rất khiêm tốn so với dân số hơn 90 triệu của cả nước. Cùng với các dự án tuyên truyền, việc xử phạt lâu nay chưa được quan tâm đúng mức cũng cần phải được các cơ quan chức năng lưu tâm hơn trong thời gian tới. Đây sẽ là chế tài quan trọng để người dân dần thay đổi thói quen đi bộ vốn khá tùy tiện từ trước đến nay. Bà Hoàng Thị Na Hương - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống thương vong châu Á chia sẻ: "Ở TP Bangkok (Thái Lan), nếu đi bộ sai luật, người vi phạm sẽ bị phạt 200 Bath (tương đương khoảng 140.000 đồng), song Việt Nam, việc xử phạt còn bị coi nhẹ. Điều này có một phần trách nhiệm của lực lượng chức năng". Tuy nhiên, qua thực tế trao đổi với nhiều chiến sĩ CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ, có thể cảm nhận phần nào đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Và để làm được điều này, rất cần có sự tham gia tích cực của chính quyền sở tại, nhất là trong việc xác nhận danh tính người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ. "Đến khi nào người đi bộ được an toàn" là câu hỏi không chỉ dành cho riêng bất cứ một tập thể, cá nhân nào. Đó là "câu hỏi trách nhiệm" của cả cộng đồng. Và dù chưa thể có được lời giải ngay trong ngày một ngày hai, nhưng đã đến lúc, người dân Hà Nội cần nhận thức được sâu sắc vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với việc đi bộ an toàn. Chỉ khi đó, việc đi bộ tại Hà Nội mới khiến người dân vơi bớt nỗi âu lo, và đi bộ mới thực sự trở thành nét đẹp trong văn hóa giao thông của Thủ đô.
Hầm bộ hành thi công dở dang và bố trí bất hợp lý trên Quốc lộ 32. Ảnh: Chiến Công |
Việc nghiên cứu, lập các dự án hạ tầng giao thông đô thị ở Hà Nội còn khá nhiều hạn chế. Các công trình chỉ giống như những giải pháp tình thế, thay vì cần được đưa vào quy hoạch chuyên ngành để khớp nối với hạ tầng giao thông trong tương lai. Đây là nguyên nhân khiến nhiều công trình giao thông dành cho người đi bộ chưa phát huy được hết tác dụng, bị bỏ không hoặc buộc phải phá bỏ chỉ sau một thời gian đi vào hoạt động. Chỉ khi hạ tầng đáp ứng được nhu cầu đi lại thuận lợi, an toàn của người dân thì ý thức chấp hành luật, cũng như tình trạng mất ATGT hiện nay mới mong có sự chuyển biến tích cực. TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT |