Cải thiện môi trường kinh doanh phải đồng đều, liên tục

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nền kinh tế vẫn có dư địa tăng trưởng lớn nếu như môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện một cách quyết liệt và bền bỉ.

Môi trường kinh doanh chưa thực sự bứt phá

9 tháng năm 2022, hầu hết chỉ tiêu đề ra đạt được trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới còn rất khó khăn. GDP Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Kết quả này thể hiện nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nỗ lực vực dậy và sự chủ động của cộng đồng DN.

Củng cố thêm động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN
Củng cố thêm động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN

Tuy vậy, năng lực cạnh tranh của DN, nhất là khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả nhân tố bên ngoài, thể chế trong nước và bản thân nội tại DN.

Về nội tại, khu vực kinh tế tư nhân trong nước dù chiếm tới 98% tổng số DN nhưng chưa mạnh, lại gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh nên sức chống chịu của DN suy giảm. Những khó khăn về vốn, lao động luôn là nỗi lo thường trực đối với DN nhỏ và vừa, và càng nghiêm trọng hơn đối với DN sau 2 năm bị kiệt quệ bởi dịch bệnh. Thực tế này thể hiện qua con số 112.700 DN rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021, phần lớn là tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn.

Từ bên ngoài, năng lực cạnh tranh của DN đang bị tác động nặng nề bởi chi phí xăng dầu tăng cao, lạm phát và suy thoái ở các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn như Mỹ, EU, dẫn tới nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí nguyên vật liệu tăng cao và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam đánh giá, định hướng và giải pháp cho vấn đề này đều đã rất rõ. Ngắn hạn, như đã nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 - 2023). Còn trung và dài hạn, đã có các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng xanh, thực hiện 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

“Vấn đề là sự theo dõi, áp sát để tạo ra áp lực hành chính lành mạnh nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định, chính sách đã có; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và DN cũng sẽ giúp phát hiện sớm, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN” -  TS Trần Đình Thiên nói.

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những năm gần đây, môi trường kinh doanh Việt Nam đang được cải thiện, nhưng để thực sự bứt phá, trở thành điểm đến thuận lợi và an toàn của nhà đầu tư thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Điển hình là tình trạng nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên… Tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thường xuyên, liên tục cũng dẫn tới tâm lý lo ngại làm sai ở các cấp thực thi.

Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM Nguyễn Minh Thảo dẫn chứng, một số thủ tục hành chính nếu như trước đây chỉ cần một cơ quan giải quyết, thì nay phải xin ý kiến của tất cả các sở, ngành liên quan. Điều này làm kéo dài thời gian, tốn kém chi phí và thậm chí không giải quyết được vấn đề. Vì thế, DN thiếu một trợ lực quan trọng và có ý nghĩa để phục hồi và phát triển.

Về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, chỉ lĩnh vực kiểm dịch động vật (thuộc Bộ NN&PTNT) và đăng kiểm (thuộc Bộ GTVT) có thay đổi tích cực được cộng đồng DN ghi nhận, còn hầu hết lĩnh vực khác đều trầm lắng, thiếu sự quan tâm.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, vẫn mang nặng tính hình thức. Các bộ, ngành, địa phương công bố nhiều thủ tục trực tuyến cấp độ 3, 4 nhưng mức độ sử dụng trên thực tế chưa được như công bố; thậm chí, nhiều thủ tục trực tuyến người dân và DN không thực hiện được. Vì thế, DN không mặn mà lựa chọn phương thức giao dịch này…

Cải cách thể chế - một trong 5 trụ cột của chương trình phục hồi kinh tế

Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, bên cạnh các giải pháp tài khóa, tiền tệ thì trụ cột thứ 5 là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là một trụ cột phi tài chính rất quan trọng trong chương trình phục hồi kinh tế. Nó không chỉ đem lại hiệu quả ngay tức thì cho DN mà còn mang tính chất bền vững, dài hạn.

Phân tích sâu về những mặt còn hạn chế cần khắc phục, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, mặc dù Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu nhưng chỉ 1 chỉ tiêu rất quan trọng về năng suất lao động chúng ta chưa đạt được. Vấn đề về xuất nhập khẩu cho thấy rất tốt, nhưng nhìn về mặt cơ cấu và lợi ích thực sự từ câu chuyện xuất khẩu cũng cần xem xét thêm. Mặt khác, việc DN tìm kiếm thị trường khi xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu ra thị trường quốc tế cũng là vấn đề cần lưu tâm.

“Bối cảnh kinh tế cuối năm 2022 và cả năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới” - ông Phan Đức Hiếu khuyến nghị. Yêu cầu triển khai thực chất dịch vụ công trực tuyến. Không chỉ cần tăng số lượng các thủ tục hành chính kết nối điện tử, mà cần bảo đảm tỷ lệ hồ sơ được thực hiện thuận lợi và thành công qua nền tảng điện tử.

Chú trọng thực thi các giải pháp về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành, qua đó tiếp thêm động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN xuất nhập khẩu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng dịch vụ công trực tuyến; kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Để hoàn thành 15 chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường an tâm, ít rủi ro trong quản lý, điều hành cho DN khi thực hiện các quy định của luật pháp là việc làm cần triển khai sớm nhất. Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nền kinh tế vẫn có dư địa tăng trưởng lớn, nếu như môi trường kinh doanh được cải thiện một cách quyết liệt và bền bỉ.

Tại phiên thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 19/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cải cách hành chính là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng khó mấy cũng phải làm để tháo gỡ khó khăn, vượt qua các thách thức, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính, tắc trách và quan liêu của người thi hành công vụ.

Thủ tướng lưu ý các nhiệm vụ cần hoàn thành ngay gồm: Thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các bộ chưa có phương án thì khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng; Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giai đoạn 2022 - 2025; Cập nhật đầy đủ, chính xác, công khai, kịp thời và thực hiện tham vấn các quy định, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh…