Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-Ctr/TU của Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo về kết quả thực hiện chương trình đến hết quý III và nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2022.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.

Huy động hơn 22.000 tỷ đồng trong xây dựng NTM

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 9 tháng đầu năm 2022, TP Hà Nội có thêm 3 huyện (Mê Linh, Phú Xuyên và Chương Mỹ) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Thành phố đã quyết định công nhận thêm 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đưa tổng số đến nay có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ngoài ra, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND trong đó phân bổ chi tiết kinh phí hỗ trợ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí xã, huyện NTM TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Các cây trồng chính (lúa, rau, cây ăn quả...) phát triển tốt; các hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh việc tái đàn theo quy định; tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Các HTX nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng NTM tại các địa phương. Thành lập mới 26 HTX (đạt 80% so với kế hoạch năm 2022) và 16 HTX đã giải thể (đạt 90% so với kế hoạch năm 2022).

Ngày 30/9/2022, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP TP đã tiến hành đánh giá (lần 1) với 41 sản phẩm của 3 quận/huyện (Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm) và ngày 18/10/2022 đánh giá 37 sản phẩm của huyện Ba Vì. Kết quả có 78/78 sản phẩm được đánh giá từ 50 điểm trở lên. Có thêm 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được thành lập trong quý III/2022.

Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội luôn được TP và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid - 19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong 9 tháng đầu năm 2022 là 22.149 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP là 10.446,7 tỷ đồng.

Phấn đấu có thêm 3 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM

Từ nay đến hết năm 2022, Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu TP có thêm 3 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể, tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,5-3%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50%. Thành phố đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Thành phố công nhận thêm 10 làng nghề, nghề truyền thống; 20 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; 40 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường. 65% HTX hoạt động hiệu quả.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Ngoài ra, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%. Giảm 20% số hộ nghèo so với đầu năm. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 85%...

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, 9 tháng đầu năm 2022, với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy và UBND TP tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành TP, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Về nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị UBND TP, Sở NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Thành ủy ban hành Kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của T.Ư về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, cần rà soát, lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình 04 của Thành ủy và Kế hoạch của UBND TP đã ban hành để thống nhất triển khai thực hiện cũng như làm cơ sở phục vụ việc sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của T.Ư.

Về xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu tăng cường tuyên truyền, tập huấn về Chương trình xây dựng NTM. Trong đó tập trung tuyên truyền về bộ tiêu chí xã, huyện NTM của TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, sớm có hướng dẫn chấm điểm theo tiêu chí mới cho các huyện, xã để đánh giá.

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu tập trung cho vấn đề sản xuất vụ đông của năm 2023 để chuẩn bị đủ cung cấp lương thực, thực phẩm cho Tết Nguyên đán Quý Mão. Tập trung vấn đề giải ngân xây dựng cơ bản trong vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là vấn đề thực hiện mục tiêu quốc gia trong xây dựng NTM. Hoàn thiện các tiêu trí của các huyện, xã đã đăng ký trong việc phấn đấu đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu còn chưa đạt, cơ bản đạt.

Ngoài ra, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của năm 2022. Chuẩn bị xây dựng dự toán năm 2023. Trước mắt, chuẩn bị một cách tốt nhất để đảm bảo người dân Hà Nội đón Tết cổ truyền Quý Mão 2023 đầm ấm, tươi vui, an toàn và đầy đủ.