Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải thiện năng suất lao động: Chìa khóa tăng trưởng bền vững

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, vốn, tài nguyên đã có giới hạn.

Việt Nam vừa phải có tăng trưởng cao hơn, vừa phải coi trọng chất lượng. Một số nước xung quanh đã đạt được điều này như Nhật Bản, Hàn Quốc... Vậy họ làm gì để đạt được hai mục tiêu tưởng chừng như mâu thuẫn nhau này? Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 tổ chức ngày 11/1. 
Năng suất thấp, nguy cơ tụt hậu

Dù nhiều chỉ số kinh tế tích cực nhưng theo cơ quan thống kê, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% (trong khi con số này ở Trung Quốc là 7%, Hàn Quốc là 5%) thậm chí thấp hơn cả Lào. Phó Trưởng ban Ban Kinh tế T.Ư Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, chênh lệch giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng là một trong những thách thức cho Việt Nam, có nguy cơ tụt hậu nếu không có chính sách để vượt thách thức, tránh bẫy thu nhập trung bình.
 Dây chuyền sản xuất các linh kiện, thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina, Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Ảnh: Danh Lam.
GS Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản) nhận xét, tình trạng nâng cao năng suất của Việt Nam rất ảm đạm, thể hiện rõ sự thâm hụt vốn. Sự tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do số lượng (nguồn vốn và lao động) chứ không phải là chất lượng (năng suất).

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung, Việt Nam sắp hết giai đoạn dân số vàng nhưng công nghiệp hóa Việt Nam còn ở vị trí thấp trong nền kinh tế và ở giai đoạn thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm. Mô hình cũ không thể giúp Việt Nam gia tăng tốc độ tăng trưởng một cách nhanh chóng và bền vững. “Tăng năng suất chính là chìa khóa để tăng trưởng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới”- ông Cung chia sẻ.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể gia tăng tốc độ tăng năng suất trong nền kinh tế bằng cách phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, phải tập trung chuyển đổi cơ cấu, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học, công nghệ để tăng năng suất cho từng DN, từng nội ngành của nền kinh tế...

“Đơn cử như lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn, chiếm tỷ lệ tới 49,5% năm 2010 và 41,6% năm 2016. Trong khi công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp. Nếu lao động chỉ dịch chuyển từ khu vực năng suất thấp sang khu vực tương tự thì sự dịch chuyển này không mang lại thay đổi gì”- GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đánh giá.

“Một trong những giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng năng suất chính là công nghệ. Là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam nên thành lập các trung tâm đào tạo và các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ nông nghiệp tiên tiến, tăng cường khuyến nông công nghệ cao ở tất cả các vùng. Trong nông nghiệp, năng suất cao thôi không đủ mà cần chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao để gia tăng giá trị cho nền kinh tế” - ông Ohno lưu ý. Ngoài ra, cần thay đổi chiến lược thu hút FDI, DN trong nước sẽ tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu và tăng năng suất qua chuyển giao công nghệ.

Nói về áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương nhắc lại Chỉ thị 16 của Chính phủ yêu cầu kết nối các ngành dựa trên 3 yếu tố chính: Cơ sở hạ tầng (hệ thống công nghệ), nguồn nhân lực, cơ chế chính sách. Ví dụ như bitcoin hay uber, grab... hiện nay đang lúng túng trong quản lý nên phải có chính sách đối sách, ứng phó.

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn Kinh tế 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Trong thời gian tới, cần theo đuổi mô hình tăng trưởng mới, bớt dựa vào các lợi thế như lao động giá rẻ… “Điều quan trọng là làm thế nào để vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững”. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những vấn đề mấu chốt của nền kinh tế để có thể thực hiện được các mục tiêu trên. Thứ nhất, đó là năng lượng xanh. Thứ hai là cải thiện năng suất. Tiếp đến là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực tín dụng, thương mại và đầu tư. Thủ tướng cho rằng đây là cuộc đua đường trường, không phải là cuộc chạy đua nước rút. “Chúng ta hãy cùng nỗ lực để tận dụng triệt để cơ hội, phát huy tối đa tiềm lực của nền kinh tế, trở thành con hổ mới của Đông Nam Á” -Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn cũng diễn ra phiên thảo luận “Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững”. Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Năng lượng luôn là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế và thực tế chúng ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, hiện nay các nguồn nguyên liệu hóa thạch lại tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, vì vậy việc phát triển các nguồn năng lượng xanh là một xu hướng tất yếu trong cả tương lai gần và tầm nhìn dài hạn.