Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ thành vấn đề khẩn cấp"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Nassir Abdulaziz Al-Nasser kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc theo đuổi đường lối linh hoạt và xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ các cuộc thương lượng cải tổ Hội đồng Bảo an để cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc này trở thành cơ quan dân chủ hơn, hiệu lực hơn, minh bạch hơn và mang tính đại diện cao hơn.

Ngày 9/11, trong phiên họp toàn thể 193 thành viên Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 đã khẳng định cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã trở thành vấn đề khẩn cấp và là trung tâm của toàn bộ tiến trình cải tổ Liên hợp quốc.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Nassir Abdulaziz Al-Nasser kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc theo đuổi đường lối linh hoạt và xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ các cuộc thương lượng cải tổ Hội đồng Bảo an để cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc này trở thành cơ quan dân chủ hơn, hiệu lực hơn, minh bạch hơn và mang tính đại diện cao hơn.

Hội đồng Bảo an hầu như không thay đổi kể từ khi được thành lập và đa số các nước thành viên Liên hợp quốc cho rằng cơ cấu hiện nay của Hội đồng Bảo an không phản ánh thích hợp các thực tế của thế giới đương đại.

Tuy nhiên, các cuộc thương lượng liên chính phủ về cải tổ Hội đồng Bảo an đã diễn ra suốt 18 năm qua với vấn đề then chốt là các loại thành viên, quyền phủ quyết, đại diện khu vực, quy mô, phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an và quan hệ với Đại hội đồng Liên hợp quốc nhưng đã không đi đến kết quả cụ thể nào.

56 đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc phát biểu tại phiên họp toàn thể đều nhấn mạnh Hội đồng Bảo an không minh bạch và không bao quát hiện nay cần được cải tổ để thúc đẩy các quan hệ tương tác khách quan và bền vững với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc.

Các nước thành viên Liên hợp quốc kêu gọi mở rộng Hội đồng Bảo an cả số ủy viên thường trực và không thường trực, cũng như thúc đẩy hiệu quả các cuộc thương lượng về cải tổ Hội đồng Bảo an.

Các nước cũng kêu gọi cần tăng cường sự tham gia của các nước không phải thành viên Hội đồng Bảo an trong các cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an.

Đại diện nhiều nước ủng hộ các nước Nhóm G-4 ở Liên hợp quốc gồm Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an.