Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm dạy thêm là đúng

Trung Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chỉ đạo xóa dạy thêm, học thêm mới chỉ là tuyên bố của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, nhưng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh.

Rất nhiều phụ huynh học sinh ở Hà Nội cho rằng, cấm dạy thêm là đúng, nhất là trong dịp nghỉ hè. Anh Lý Mạnh Tuấn - phụ huynh học sinh trường THCS Khương Thượng (quận Đống Đa) chia sẻ: “Cấm dạy thêm là rất đúng, vì dạy thêm học thêm theo tôi chỉ là dạy trước chương trình. Những em không có điều kiện học sẽ khó theo kịp,vì vào năm học do nhiều học sinh đã được dạy trước nên thầy cô giảng bài nhanh. Chính điều này khiến nhiều gia đình, dù không muốn nhưng vẫn phải cho con đi học thêm”. Trong khi đó, nhiều giáo viên lại bức xúc cho rằng, cấm dạy thêm là vô lý. Có lẽ bởi đây là nguồn thu chính trong lúc lương giáo viên thấp, chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Ngoài ra, dạy thêm học thêm còn xuất phát từ nhu cầu có thực do nhiều gia đình muốn gửi gắm con em để bồi dưỡng, nâng cao các kiến thức có được từ trên lớp. Tuy nhiên, giải thích này chưa nhận được sự đồng tình của phụ huynh và dư luận xã hội.

Nhìn nhận vấn đề này dưới con mắt của một chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định, việc dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay sẽ khiến cho nền giáo dục kém phát triển thay vì đi lên. Nguyên nhân là học sinh cứ học thêm là được thầy “dắt tay chỉ việc”, dẫn tới thói quen thụ động chờ được làm hộ, mà không tự vận động, tư duy. Ông Lâm cho rằng, việc cấm dạy thêm là có căn cứ khoa học. Trước tiên, các bậc cha mẹ học sinh cần hiểu đúng vấn đề này, đừng kỳ vọng quá mà làm khổ con vì học thêm. Phụ huynh cần tự nhận thức học thêm như thế nào là phù hợp, chỉ cho con học để phát huy năng khiếu hoặc khi con còn thiếu kiến thức. Đối với ngành giáo dục, phải làm rõ trách nhiệm của giáo viên trong việc dẫn dắt học sinh, giúp học sinh tự rèn luyện là chính; phải để thầy cô nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tôn vinh thầy cô biết cách dạy học sinh tự học, tự chủ. Muốn vậy, nhà trường cần lấy ý kiến học sinh để có đánh giá khách quan đối với công tác dạy học của giáo viên. Từ đó, hiệu trưởng sẽ biết được thầy cô nào dạy dễ hiểu, quan tâm giúp đỡ học sinh, thầy cô nào dạy còn khó hiểu, chưa hòa đồng, định hướng được cách học cho học sinh.