Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm thuốc lá điện tử: Xử lý thế nào đối với vi phạm?

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Từ ngày 14/1/2025, thuốc lá điện tử sẽ được coi là hàng cấm tại Việt Nam. Các hành vi “sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử” là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại Mục 2.2 về lĩnh vực y tế thì “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người”.

Nghị quyết này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/1/2025.

Thuốc lá điện tử. Hình minh họa
Thuốc lá điện tử. Hình minh họa

Như vậy, từ ngày 14/1/2025, thuốc lá điện tử sẽ được coi là hàng cấm tại Việt Nam. Các hành vi “sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử” là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dưới góc độ pháp lý, về xử lý hành chính, theo luật sư Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử (là hàng bị cấm) sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ. Theo đó, tùy thuộc vào trị giá của hàng hóa hoặc số tiền thu lợi bất chính thì sẽ có các mức xử phạt khác nhau.

Trong đó, riêng đối với hành vi sản xuất hàng cấm thì mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần mức phạt tiền quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 8 nêu trên (Khoản 9 Điều 8). Và đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 2 lần mức phạt của cá nhân (Khoản 4 Điều 4).

Như vậy, các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử sẽ bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Riêng đối với hành vi sản xuất thuốc lá điện tử sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm mức phạt sẽ từ 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng.

Ngoài bị áp dụng hình thức phạt tiền, luật sư Hùng cho hay, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng cấm; Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm (chỉ áp dụng với các vi phạm tại các Khoản 6, 7 và 8 Điều 8); và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Khoản 11 và Khoản 12 Điều 8)

Cá nhân, tổ chức có hành vi nhập khẩu thuốc lá điện tử (là hàng bị cấm nhập khẩu) thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ.

Trong đó, theo luật sư Hùng, tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa thì sẽ có mức xử phạt khác nhau.

Cụ thể: Hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 20.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng; hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 36). Các mức phạt nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 02 lần mức phạt của cá nhân (Khoản 4 Điều 4).

Như vậy hành vi nhập khẩu thuốc lá điện tử có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền là từ 20.000.000 đồng đến cao nhất là 200.000.000 đồng.

Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a hoặc điểm b Khoản 3 Điều 36 (là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa); và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 36).

Về trách nhiệm hình sự, luật sư Hùng cho hay, các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, khi thuộc một trong các trường hợp như sau: Giá trị hàng hóa từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 190 hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tuy nhiên, mức và loại hình phạt giữa cá nhân với pháp nhân thương mại phạm tội là khác nhau, cụ thể:

Đối với cá nhân phạm tội, sẽ phải chịu loại và mức hình phạt là bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì sẽ phải chịu các loại và mức hình phạt là bị phạt tiền từ 1- 9 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội này có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự (pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra; hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm). Mặt khác, pháp nhân thương mại phạm tội này còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên, hoặc hàng hóa dưới mức quy định trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 191 hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” theo quy định tại Điều 191 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội này sẽ phải chịu các loại và mức hình phạt như sau:

Đối với cá nhân phạm tội: Sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự. Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Theo luật sư Hùng, mặc dù theo Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc Hội có cấm hành vi sử dụng thuốc lá điện. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về các chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử. Do đó, theo luật sư Hùng các cơ quan chức năng cần phải xây dựng, bổ sung các chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, để đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện pháp luật và tính răn đe, phòng ngừa, cũng như xử lý đối với các hành vi vi phạm.