Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần biện pháp mạnh chống nạn “cò” xuất khẩu lao động

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Mỹ và Quỹ Châu Á phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn “Hoạt động hỗ trợ cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc”.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, bình quân trong 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam đưa được trên 80.000 NLĐ đi làm việc và thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài, trong đó 11 tháng năm nay đã có 108.530 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Đoàn công tác Tổng LĐLĐ vừa có cuộc khảo sát về “Vấn đề người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài gặp phải trong quá trình làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)” tại 12 huyện thuộc 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Quảng Ngãi, với việc hỏi đáp với NLĐ và gia đình có NLĐ có ý định đi làm việc ở nước ngoài hoặc đã từng làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả cho thấy, bình quân có 20 - 60 lao động/năm/xã, hiện có trên 400 - 800 người ở mỗi xã đang lao động ở nước ngoài.
Hàng năm, mỗi huyện có khoảng 200 - 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, huyện có trên 2.000 lao động đang làm việc tại các nước là huyện Phù Ninh (Phú Thọ), Đông Sơn (Thanh Hóa), mỗi năm gửi về nước gần 300 tỷ đồng. Những NLĐ này thường đến một số nước có thu nhập cao như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản (500 - 1.500 USD/tháng).
Ông Trần Văn Tư - Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Chính sách kinh tế xã hội (Tổng LĐLĐ) nhận xét: Đa số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài xuất thân từ nông thôn, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thấp (42% chưa qua đào tạo), ít hiểu biết về văn hóa, pháp luật thuộc lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như về năng lực của các DN, tổ chức đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Họ cũng thiếu thông tin về thị trường lao động ở đó, trong khi trình độ ngoại ngữ yếu. Bên cạnh đó, kỷ luật lao động và tác phong làm việc của những lao động này chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất công nghệ cao so với lao động ở các nước Philippin, Thái Lan, Indonesia cùng tham gia làm việc ở một số nước. Do sức cạnh tranh thấp, NLĐ Việt Nam thường làm những công việc giản đơn, nặng nhọc, thu nhập thấp hơn và dễ bị bóc lột. Hơn nữa, theo ông Tư, NLĐ chưa được các tổ chức trong nước quan tâm hỗ trợ thích đáng để hòa nhập thị trường lao động sau khi trở về, mà đa số phải tự xoay sở kiếm việc làm mới.
Từ thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ xuất khẩu, trước hết cần củng cố, nâng cao trách nhiệm và quản lý chặt chẽ các hoạt động của DN dịch vụ được cấp phép hoạt động XKLĐ để chống nạn “cò mồi” XKLĐ, làm méo mó chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phòng Chính sách kinh tế xã hội (Tổng LĐLĐ) cũng kiến nghị tổ chức công đoàn các cấp có những hoạt động hiệu quả tăng cường giám sát hoạt động XKLĐ. Trong đó, từ công đoàn cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt tuyên truyền chính sách, nội dung hợp đồng mà các DN dịch vụ đã ký kết với đối tác nước ngoài; giám sát việc tuyển lao động của các DN dịch vụ, phòng chống hoạt động trung gian “cò mồi”; quản lý theo dõi tình hình XKLĐ tại địa phương và hỗ trợ NLĐ khi làm thủ tục xuất cảnh, vay vốn ngân hàng.
Đối với Tổng LĐLĐ, nhiều ý kiến đề nghị xây dựng các tài liệu hướng dẫn công đoàn cơ sở giúp đỡ NLĐ, nghiên cứu xây dựng tờ rơi phát cho NLĐ để nâng cao nhận thức về di cư lao động an toàn, đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương với công đoàn những quốc gia có đông lao động Việt Nam. Đặc biệt, Nhà nước cần có biện pháp mạnh chống mua bán người, nạn “cò” XKLĐ để bảo đảm việc làm bền vững cho NLĐ ở nước ngoài.