Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cán bộ cơ sở, người dân vào cuộc giúp phát hiện vi phạm ngay từ địa bàn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (19/4) tại phường Mai Dịch, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc và các ĐB Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Tại đây, cử tri nhiều phường phản ánh nhiều tòa nhà chung cư tái định cư (TĐC) bị hỏng thang máy, hệ thống PCCC đã lâu không được sửa chữa; nhiều đơn thư khiếu nại về đền bù GPMB từ 9-10 năm chưa giải quyết. Vấn nạn bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em vẫn nhức nhối chưa được xử lý nghiêm, mà đề góp phần giải quyết, từ nhà trường cần tăng giáo dục đạo đức, lịch sử, truyền thống tốt của người Việt Nam. Một số dự án của TP để hoang không xây dựng hơn chục năm nay, cũng cần được TP quan tâm chỉ đạo.
 Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Đề cập công tác quản lý đô thị, đất đai, ông Trần Đình Côn (phường Nghĩa Đô) bày tỏ bức xúc vì vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) ở nhiều nơi, trong đó ngay phường Dịch Vọng Hậu, người dân gửi đơn 5-6 năm chưa được giải quyết. Dù chính quyền áp dụng rất nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa dứt điểm, cũng bởi “trên nóng dưới lạnh”, nên không thể tiếp tục buông lỏng quản lý, với vi phạm đã quá lâu thì phải quyết liệt cưỡng chế. “Quan trọng là thay đổi tư duy từ lãnh đạo, động chạm lợi ích nhóm cũng phải kiên quyết xử lý”, ông Côn nói.
Cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch) cho rằng, dãy ki-ôt thuê từ đất nông nghiệp được các hộ sử dụng nhiều năm tại quận cần sớm được cấp GCNQSDĐ để người dân ổn định cuộc sống. Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp không hết diện tích nên còn lại những mảnh nhỏ, xen kẹt, không dùng sản xuất được thì cần cho chuyển đổi mục đích để xây nhà hội họp dân cư.
Bên cạnh đó, cử tri phường Mai Dịch đề nghị chương trình phổ thông không thể năm nào cũng thay đổi sách giáo khoa, nhất là sách lịch sử, đạo đức; từ miền núi đến đồng bằng cũng phải thống nhất chương trình sách, tránh lãng phí. Trong phát triển giao thông, nhiều tuyến đường được mở nhưng nơi tắc vẫn tắc, nơi được mở thì hiệu quả không cao, nên đề nghị nghiên cứu kỹ để mở đường ở vị trí nào thực sự hiệu quả.
Cử tri phường Quan Hoa thì đề nghị Quốc hội, TP sớm quan tâm giải quyết ô nhiễm nước sông Tô Lịch, bởi dự án cải tạo sông này thuộc dự án thoát nước của TP, các hạng mục đã được đưa vào sử dụng từ 2010 nhưng riêng nước thải chưa được xử lý, khiến môi trường sống hai bên bời bị ảnh hưởng rất nặng nề, nhất là những ngày oi bức.
 Cử tri quận Cầu Giấy nêu ý kiến.
Trước các ý kiến cử tri, lãnh đạo các sở TNMT, Xây dựng và Chủ tịch UBND quận Bùi Tuấn Anh tiếp thu mọi vấn đề thuộc thẩm quyền, khẳng định sớm chỉ đạo các phòng, ngành kiểm tra, giải quyết. Riêng về kiến nghị về cấp GCN cho các ki-ôt tại quận, Phó Giám đốc Sở TNMT Lê Thanh Nam cho biết đây là tồn tại từ các giai đoạn trước, nhiều cán bộ đã bị xử lý nhưng hiện còn vướng chủ yếu về quy hoạch. Sở sẽ cùng các đơn vị rà soát tháo gỡ chung toàn TP, trong đó với hơn 4.000 trường hợp tại Cầu Giấy, Sở cùng tổ công tác sẽ trực tiếp đến xem xét từng trường hợp.
Về kiến nghị duy tu sửa chữa tại chung cư TĐC, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định sẽ tăng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện cơ chế hỗ trợ sửa chữa duy tu nhà TĐC mà TP đã ban hành. Riêng với thang máy hỏng tại khu Nam Trung Yên cử tri vừa phản ánh, ngay trong ngày 19/4 Sở sẽ cho kiểm tra xử lý.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc thay mặt tổ ĐB khẳng định sẽ chuyển toàn bộ ý kiến cử tri đến Quốc hội, bộ, ngành, lãnh đạo TP để chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết; đồng thời đề nghị Sở Xây dựng, TNMT kiểm tra ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền, phối hợp quận Cầu Giấy giải quyết sớm. Với dự án có nhiều đơn thư trên địa bàn, trực tiếp Chủ tịch UBND quận phải chỉ đạo rà soát trả lời đúng quy định, nhất là các vụ liên quan Nghị quyết 15 của Thành ủy cần giải quyết dứt điểm.
Riêng về quản lý chung cư, theo Chủ tịch HĐND TP là vấn đề phức tạp không chỉ Hà Nội mà nhiều TP lớn đang rất quan tâm. Tại Hà Nội đã phát triển tới có 700 chung cư thương mại và 600 chung cư TĐC, xây ở các thời kỳ khác nhau với tiêu chuẩn khác nhau, dẫn đến quản lý khác nhau. Bộ Xây dựng đã có thông tư, Chính phủ có nghị định điều chỉnh, HĐND TP có tiếp xúc cử tri chuyên đề, chất vấn… nhưng chưa thể hết bất cập, nên TP đang tập trung khắc phục. UBND TP đã ban hành một chỉ thị riêng, song theo Bí thư Thành ủy đây là vấn đề rất quan trọng nên có thể nâng lên thành nghị quyết. “Những điều đó cho thấy lãnh đạo TP, các ngành rất trăn trở, đang vào cuộc vì hiệu quả hoạt động của các chung cư và chính cuộc sống của cư dân. Về phía cư dân, nhất là đảng viên cần đề xuất giải pháp cụ thể giúp khắc phục tồn tại trong vận hành chung cư, như về bảo trì với nhà TĐC…”, đồng chí nêu rõ.
Liên quan đến cấp “sổ đỏ”, Chủ tịch HĐND TP cho biết với những trường hợp tồn đọng, TP đã tổng hợp, có tổ công tác đi giải quyết vướng mắc; đề nghị UBND TP cùng quận tiếp tục rà soát. Về dự án chậm triển khai, HĐND TP năm ngoái đã có phiên giải trình, công khai các dự án chậm với những lý do khác nhau và yêu cầu UBND TP có báo cáo rõ, cho lộ trình giải quyết trong vòng 1 năm.
Về quản lý TTXD, theo đồng chí, với một đô thị đang phát triển như Hà Nội, quản lý Nhà nước đúng là có buông lỏng, song nhiều người dân chưa tự giác, còn lấn chiếm. “Tỷ lệ cấp phép tăng, vi phạm mới đã giảm nhiều, nhưng có những vụ tồn rất lâu rồi nên chính quyền đang phải tập trung giải quyết. Rõ ràng, quản lý TTXD phải làm thường xuyên, trong đó rất mong từ bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố vận động người dân, giám sát và báo cáo ngay khi phát hiện vi phạm”, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Về gian lận thi cử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… Chủ tịch HĐND TP khẳng định sẽ chỉ đạo ngành giáo dục TP quan tâm hơn trong xử lý nghiêm giáo viên, học sinh; song bản thân cán bộ cơ sở, người dân cần nâng cao trách nhiệm, giúp sớm phát hiện vi phạm ngay từ địa bàn.