Những chuyển biến tích cực
Đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND TP cho thấy, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, nhất là đổi mới về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các thủ tục hành chính (TTHC) được công bố và ban hành đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chi phí thời gian thực hiện có sự cải thiện. Năm 2012, TP đã bãi bỏ 175 TTHC, rà soát để giảm thời gian, có thủ tục chỉ còn một nửa thời gian thực hiện.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận Hội nghị.Ảnh: Thanh Hải
TP đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp giai đoạn 2012 - 2016 với các biện pháp kiện toàn tổ chức, tạo sự đồng bộ trong quản lý, điều hành của UBND các cấp; triển khai Đề án "Thí điểm mở lớp đào tạo 1.000 công chức nguồn của thành phố" và mở 8 lớp đào tạo cán bộ chủ chốt về xây dựng cơ quan điện tử, chính quyền điện tử…
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hiệu quả công việc đã được nâng cao, phát huy tính chủ động, sáng tạo, bước đầu khắc phục tình trạng chậm trễ, chồng chéo trong quá trình giải quyết công việc.
Rào cản lớn từ nguyên nhân chủ quan
Mặc dù ghi nhận những chuyển biến tích cực trong CCHC, nhưng một số ý kiến cho rằng, công tác này vẫn còn hạn chế tồn tại. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về cơ chế chính sách, khối lượng công việc lớn…, có phần không nhỏ do ý thức cán bộ, sự phối hợp thiếu chặt chẽ, thậm chí thủ tục rườm rà của các cơ quan chức năng. Chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải viện dẫn ví dụ về các khu đô thị trên địa bàn chưa bàn giao hạ tầng, chủ đầu tư không thường xuyên duy tu nên xuống cấp. Tuy nhiên, khi tiến hành bàn giao có quá nhiều thủ tục, gây mất nhiều thời gian. Hay việc quản lý các tuyến đường cũng nảy sinh bất cập. Quận ra quân để lập lại trật tự, nhưng một số điểm lại do các sở cấp phép nên khó thực thi.
Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng đề nghị cần phân cấp toàn diện hơn cho các địa phương. "Đối với những việc đã rõ, đã chắc chắn, TP nên "quyết" mạnh hơn để tiết kiệm thời gian, tránh vòng vo từ cơ quan này sang cơ quan khác" - ông Thăng nói.
Làm rõ hơn về vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá việc phân cấp, phân quyền chưa mạnh nên nhiệm vụ chức năng còn chồng chéo, sự phối hợp chưa chặt chẽ, thậm chí còn đùn đẩy, né tránh. Cùng với đó, phẩm chất đạo đức của một bộ phận công chức, có cả người đứng đầu một số cơ quan đơn vị còn hạn chế, trì trệ, thiếu năng động. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến vẫn có những kêu ca phàn nàn của nhân dân. Chủ tịch UBND TP cho rằng: Có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ quan vẫn là chủ yếu, "cải cách thế nào, đến đâu, chủ yếu do chất lượng cán bộ. TP sẽ tiếp tục phân cấp và phân quyền, nâng cao ý thức cán bộ công chức và đây chính là khâu đột phá giải quyết mọi vấn đề".
Cải cách từ ý thức, trách nhiệm
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh yêu cầu của CCHC đặt ra đối với Thủ đô rất cao. Đây cũng là mối quan tâm đặc biệt của TP ngay từ đầu nhiệm kỳ và luôn xác định CCHC là khâu đột phá với những giải pháp quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có việc gần như chưa chuyển biến. Doanh nghiệp và người dân vẫn phàn nàn về trách nhiệm giải quyết công việc, sự phối hợp của các cơ quan và tình trạng đùn đẩy né tránh, có biểu hiện sách nhiễu của một số cán bộ, công chức.
Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, qua kiểm tra, khảo sát dư luận xã hội thời gian gần đây cho thấy chính quyền cấp cơ sở đã có chuyển biến khá tốt, nhất là hoạt động của bộ phận tiếp dân và "một cửa", được người dân đánh giá về ý thức phục vụ đã tốt hơn.
Rõ địa chỉ, rõ việc
Ghi nhận thời gian qua, công tác phân cấp của TP đã đạt hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, ngân sách, tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, kết quả đó vẫn còn hạn chế, bất cập là chưa đảm bảo sự tương xứng giữa yêu cầu, nhiệm vụ với các điều kiện cần thiết. Việc phân định nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền, cơ chế một đầu mối trong một số lĩnh vực chưa cụ thể, thậm chí còn chồng chéo. Vấn đề phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, TP xác định, năm 2013 là Năm kỷ cương hành chính, vì vậy, các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn cấp sở, ngành. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao hiểu biết pháp luật để nhân dân hiểu và nắm rõ quyền, trách nhiệm khi tham gia vào thực hiện các TTHC. Cùng với đó, phải gắn CCHC với thực hiện Nghị quyết T.U 4, quy chế dân chủ; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng ứng xử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT.
Các đơn vị chức năng cần chủ động tối đa để tham mưu cho TP hoàn thiện các cơ chế chính sách, không thụ động chờ các bộ, ngành. Kiên quyết xóa bỏ các TTHC không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai và cấp phép xây dựng; hoàn thiện cơ chế phân cấp, trong đó phân định rõ việc, rõ địa chỉ, rõ chức năng nhiệm vụ để công việc đạt hiệu quả cao; tăng cường kiểm tra, xây dựng hệ thống chế tài, xử lý kịp thời, nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp vi phạm, bảo đảm kỷ cương hành chính.
"Vướng mắc, chuyển biến chậm dường như đang nằm ở các sở, ngành. Vì vậy, cần có sự đánh giá thẳng thắn để sớm có giải pháp khắc phục. Cụ thể là phải cải cách từ ý thức, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ của mỗi người trong bộ máy hành chính." Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị |