Trong đó, hai nội dung quan trọng là làm thế nào để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và chống tham nhũng được các đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm cho ý kiến. Làm rõ nguyên nhân khiến tội phạm gia tăng Mặc dù đánh giá cao sự nỗ lực của các lực lượng, nhưng các ĐB còn băn khoăn khi tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trong năm 2013 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, tội phạm có xu hướng trẻ hóa, tội phạm thanh thiếu niên gia tăng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm an ninh mạng, gian lận thương mại, ngân hàng tài chính và tội phạm xuyên quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh và hội nhập quốc tế. ĐB Chu Sơn Hà và Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, tình hình tội phạm năm 2013 vẫn diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng, tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ phạm tội mang tính chất gia đình ngày càng cao... Trong khi đó, có khá nhiều chương trình phòng, chống tội phạm nên cần phải đánh giá lại hiệu quả hoạt động của công tác này. “Chúng ta chống tội phạm khá tốt, nhưng khâu phòng ngừa còn thấp, đổ hết cho lực lượng công an là không được, phải khắc phục những yếu kém ngay từ khâu quản lý”, ĐB Quyền nêu ý kiến. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, nói diễn biến tội phạm phức tạp thì cần làm rõ năm sau so năm trước như thế nào, phức tạp khác trước ở điểm nào, làm rõ những loại tội phạm gia tăng. Chẳng hạn, những tội phạm gây nhức nhối như tín dụng đen hiện nay phức tạp do thiếu sự quản lý cơ quan chuyên trách trực tiếp nên nhiều vụ xảy ra gây bức xúc nhưng không truy tố, xử lý được. Những loại tội phạm nguy hiểm, coi thường tính mạng con người gia tăng cũng do các nguyên nhân xã hội, rồi hoạt động quản lý ở cơ sở còn yếu. “Tôi đồng tình với những phân tích trong báo cáo nhưng đề nghị phải bổ sung thêm các nguyên nhân. Trong đó, công tác quản lý chậm phát hiện ra những kẽ hở trong chính sách pháp luật, các chế tài đối với tội phạm vị thành niên, tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cho vay tín dụng đen, lừa đảo ngân hàng còn yếu, hoặc chưa bổ sung kịp thời, vì vậy chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn sự gia tăng của các loại tội phạm này” – ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) viện dẫn. Đại biểu Huyền cũng đề nghị Chính phủ cần chăm lo cho lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm, có chính sách động viên kịp thời về vật chất và tinh thần cho lực lượng công an, đặc biệt với những người trực tiếp trên mặt trận chống tội phạm nguy hiểm. Cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là khi nhân dân cung cấp tin báo tội phạm cần xem xét xử lý kịp thời nghiêm minh. Có chính sách bảo vệ, khen thưởng với người tố giác, tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng mô hình tự quản về ANTT. Khoanh vùng tham nhũng để xử lý Cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) bức xúc: Tham nhũng chưa thực sự bị ngăn chặn và đẩy lùi dù có cơ quan chuyên trách được tổ chức đồng bộ từ T.Ư đến địa phương. Nói một cách hình ảnh là chúng ta đã bầy binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu xong giặc nội xâm tham nhũng chưa bị sát thương là bao nhiêu. Quyết tâm chính trị đã có chứng tỏ hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Theo đại biểu Lê Như Tiến, việc kê khai tài sản còn hình thức. Vì kê khai tài sản chỉ để trong hồ sơ của một số người có trách nhiệm, không công khai để cho cử tri, nhân dân, nơi cư trú, nơi công tác để người ta biết là chưa thể hiện được hiệu quả. ĐB kiến nghị bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có cần thành lập Cục điều tra tội phạm tham nhũng với cơ chế đặc biệt được trao "thượng phương bảo kiếm" có quyền điều tra độc lập. Đề cập đến vấn đề này, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đặt câu hỏi vì sao xã hội rất quan tâm, muốn bài trừ nhưng tham nhũng vẫn không giảm? Vì vậy, ĐB cho rằng bên cạnh việc rà soát lại hệ thống pháp luật, “bịt tất cả các kẽ hở không cho bọn tham nhũng đục khoét” thì cũng cần có thêm cơ chế giám sát với sự tham gia của cộng đồng dân cư mới có thể đạt hiệu quả cao. ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khẳng định, tình trạng cán bộ tha hóa, biến chất, bảo kê cho xã hội đen đang tồn tại khiến dư luận bất bình và mong muốn phải bị trừng trị trước pháp luật. Nhiều vụ án tham nhũng dân đã biết, song bị kéo dài, chậm được được xử lý. “Đề nghị kiểm toán, thanh tra các công trình, dự án vốn đầu tư Nhà nước. Rất nhiều tiền của dân bị chiếm đoạt như làm nhà vệ sinh cho học sinh, những con đường tiền tỷ, con tàu nghìn tỷ không biết nâng gia như thế nào. Ngân sách T.Ư chi cho các tỉnh Ninh Thuận, Hậu Giang, Bắc Kạn… chỉ bằng một phần của con tàu sắt vụn. Nếu kiên quyết chống tham nhũng và chống có hiệu quả sẽ không phải nâng trần bội chi, không phải phát hành trái phiếu để nuôi tham nhũng”, ĐB Hiến thẳng thắn đề nghị. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhấn mạnh tới “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trong công tác phòng chống “quốc nạn” này. Bà Khá đề nghị cần tập trung vào các vụ án tham nhũng để xử nghiêm minh, làm từ gốc chứ không từ ngọn. Việc thu hồi thất thoát từ tham nhũng cũng phải làm triệt để, bởi đó là tiền thuế do dân đóng góp. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đề nghị cần khoanh vùng đối tượng để phòng, chống hiệu quả. Ông viện dẫn, có người khi làm Chủ tịch UBND nói rằng, thường ngày ông sử dụng 3 điện thoại bởi rất nhiều người gọi đến, công việc có, nhờ vả cũng nhiều. Thế nhưng khi sang làm tuyên giáo, chỉ dùng một máy cũng thấy ít người gọi, vì không có mấy việc họ phải nhờ cả. “Cho nên, những đối tượng nào có nguy cơ tham nhũng mới phải khoanh vùng để phòng ngừa chứ không mở rộng quá, kiểm soát không nổi” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền phân tích.