Năm 2011, một số người Trung Quốc sang Việt Nam thu mua rễ na rừng với giá cao, lượng cây ít dần. Khan hiếm, được cho là có tác dụng làm dược liệu khiến loại quả này có giá đắt
Cách đây 4 năm, anh Vừa A Chẩn, ở Hua Lương (Thuận Châu, Sơn La) đã đi hái na rừng (cơm nắm) về bán. Tuy nhiên, thời điểm đó, người mua rất ít. Chỉ một số người dân các tỉnh lân cận mua về chữa bệnh mất ngủ. Anh A Chẩn thường chọn những quả to, chín đỏ, có màu đẹp để bán. Giá bán tại thời điểm đó chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Thậm chí, có người đi rừng, thấy quả na lạ nên hái về chơi. Loại quả này gần như không có giá trị kinh tế.
Ảnh: Thiên Minh.
|
Sau đó, khoảng năm 2011-2013, người dân tại Thuận Châu cho biết, một số người Trung Quốc đến thu mua rễ na rừng. Tuy nhiên, họ chỉ mua loại thân nhỏ, mảnh của cây mọc ở vùng cao. Mức giá thu mua với rễ tươi thời điểm đầu là 8.000 đồng/kg, sau lên tới 12.000-15.000 đồng/kg.
Mỗi quả na rừng nặng lên đến 2,5-5kg, giá bán 120.000-150.000 đồng/kg. Nhiều người ở các bản ở Thuận Châu, Sơn La đổ xô đi hái na về bán để kiếm thêm thu nhập...
Anh Vừ A Ly (dân tộc H Mông) ở bản Vua Lương (Thuận Châu, Sơn La) giá đắt, khách đặt mua nhiều nên anh thường xuyên lên rừng hái na về bán.
Mỗi quả nặng trung bình khoảng 2,5kg, loại to có thể lên tới hơn 5kg. Vì thế, mỗi lần vào rừng hái na, anh Ly thu về cả vài triệu đồng. Theo anh Ly, yêu cầu của người mua khá khắt khe như quả đủ độ chín (thường có màu đỏ), cân nặng trên 2,5kg, vỏ nứt to. Vì thế, người hái phải tìm sản phẩm đạt yêu cầu.
Không chỉ A Ly mà nhiều người trong bản cũng lên rừng tìm na để bán. Anh Vừ A Giang, cùng bản với A Ly cho biết, trước đó, các cánh rừng ở Sơn La tràn ngập loại cây này.
Tuy nhiên, khoảng năm 2011-2013, nhiều người Trung Quốc sang mua rễ na gốc nhỏ để làm thuốc với giá 200.000-500.000 đồng/kg.
Thấy lợi nhuận lớn nên nhiều người dân vào rừng chặt cả những gốc thân to trộn vào để bán kiếm thêm thu nhập. Cũng vì vậy, hiện tại, loại quả này tương đối hiếm. Muốn hái được, người dân phải đi vào rừng sâu. Thậm chí, 2 ngày mỗi người mới hái được vài quả.
Người dân này nói thêm, công việc hái quả na rừng khá nguy hiểm. Bởi chỉ những cây ở trên vùng đầu nguồn, độ cao trên 600-800m mới cho quả to. Đặc biệt, cây có tán lá trung bình 10-20m nên phải người trèo giỏi mới hái được. Chưa kể, loại quả này thu hút một loại ong rừng. Người nào bị cắn có thể bị viêm da hơn 1 tuần mới đỡ.
Trung bình, mỗi cây na nhỏ có khoảng 5-6 quả, riêng loại cây to có tới 30-40 quả. Vậy nhưng cũng chỉ những người đi rừng chuyên nghiệp, trèo giỏi mới thu hoạch được nhiều loại quả này.
Cân nặng trung bình của mỗi quả na rừng là 2kg, có quả lên đến 5 kg. Ảnh:Thiên Minh.
|
Khách hàng hỏi mua, đặt na rừng khá đông. Phần lớn là khách du lịch hay các hiệu thuốc đông y ở Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định,… Mức giá họ đưa ra cũng tương đối cao, dao động từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg đối với na tươi. Anh Minh, chủ điểm thu mua na rừng ở Sapa, chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, một quả na chỉ có 1/3 là ruột, nên anh chủ yếu đặt mua na rừng tươi và múi na phơi khô về làm thuốc.
Cũng theo anh, na khô phải đạt trọng lượng từ 2kg trở lên mới đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, na cần phải chín ương có màu đỏ, không thối hỏng. Vậy nên anh thường yêu cầu người bán phơi khô theo đúng yêu cầu như để nguyên ruột, tẻ múi na, phơi khô hẳn,… Giá thu mua na khô cao hơn, dao động từ 230.000 đến 250.000 đồng/kg.
Còn theo lương y đa khoa Trần Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Đông y huyện Yên Thế (Bắc Giang), cây na rừng (cây cơm nắm) có tên khoa học là Kadsura coccinea.
Loại cây này phổ biến ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn.... Cây thân leo mọc cùng những cây sống lâu năm trong rừng. Thông thường, thân cây có thể vươn leo lên 15-20m.
Chuyên gia nói trên cho biết, rễ cây, loại nhỏ, thường được nhiều người sử dụng làm bài thuốc dân gian chữa các bệnh phong thấp, chống hậu sản, hồi sức,...
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa đơn vị nào nghiên cứu về giá trị dược liệu của quả na rừng. Cây na rừng thuộc loại thân dây leo to có nhánh mọc trườn, mảnh, phủ lớp lông tuyến màu sậm, rồi về sau lại có lỗ bì hình dải. Lá bầu dục hay thuôn, dạng góc ở gốc, thon hẹp, tù, dài 6-10cm, rộng 3-4cm, nhạt màu ở dưới, rất nhẵn. Hoa đơn tính ở nách lá dài 15mm, rộng 10mm, màu tía. Quả giống như một quả na to.
Hoa na thường nở rộ vào tháng 5-6, quả vào tháng 8-9.
Loại cây này thường mọc ở các vùng núi cao Lào Cai (Sa Pa), Hà Tây (Ba Vì) đến Di Linh, Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Cũng phân bố ở Trung Quốc, Lào. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng dần.
Cây na rừng có nhiếu tính vị và tác dụng: Rễ có vị cay ấm, hơi đắng, có hương thơm; có tác dụng hành khí chỉ thống, hoạt huyết, tán ứ, khư phong tiêu thũng.
Rễ dùng trị:
1. Viêm ruột mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm loét dạ dày và hành tá tràng.
2. Phong thấp đau xương, đòn ngã ứ đau.
3. Đau bụng trước khi hành kinh, sản hậu ứ đau sưng vú.
Liều dùng 15-30g rễ khô sắc nước uống.
Dân gian cũng thường dùng vỏ thân, vỏ rễ làm thuốc bổ, kích thích tiêu hoá, giảm đau. Ngày dùng 8-16 g sắc hoặc ngâm rượu uống.
Quả na có công dụng: ăn được. Quả rang lên làm thuốc an thần gây ngủ.