Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần câu trả lời thỏa đáng

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc được phát hiện từ ngày 20/7/2018, khi một số báo đăng thông tin Công ty CP Con Cưng (Công ty Con Cưng), đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Con Cưng và ToyCity bán quần áo có dấu hiệu bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem nhãn CF ghi xuất xứ “made in Thailand”.

Ngay sau đó, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, TP kiểm tra các cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị Con Cưng và ToyCity để thẩm tra, xác minh thông tin.
Thời điểm đó, dư luận rất hoan nghênh sự nhanh nhạy của ngành công thương, vào cuộc ngay khi phát hiện sự việc nhằm bảo về quyền lợi người tiêu dùng. Bởi lâu nay thị trường Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ để hàng giả, hàng nhái có đất sống khi mà loại hàng hóa này được bày bán công khai, tràn lan từ chợ truyền thống đến các trang mạng xã hội, thậm chí là các cửa hàng, trang mạng bán hàng uy tín. Tuy nhiên, sau gần một tháng kể từ khi vụ việc được phát hiện, dư luận rất mong đợi thông tin chính thức liên quan tới Công ty Con Cưng từ Bộ Công Thương để rõ trắng, đen, nhưng kết luận được Bộ Công Thương khi công bố (ngày 17/8) lại khiến dư luận hoang mang bởi nhiều tình tiết chưa được giải đáp.

Cụ thể, kết luận được Bộ Công Thương cho thấy DN này vi phạm 3 lỗi thay vì 7 lỗi như ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường công bố trước đó. Theo lý giải của ông Tín, 3 lỗi là gộp các lỗi lại trước đó và đó là kết quả cuối cùng sau khi đã kiểm tra, rà soát lại. Điều này khiến dư luận hết sức băn khoăn bởi việc tổ chức kiểm tra của ngành công thương rất hoành tráng và mất nhiều ngày, nhưng lại chỉ ra được những kết quả rất “khiêm tốn”.

Không biết có phải vì dư luận không hài lòng với kết luận của Bộ Công Thương về vụ Công ty Con Cưng hay không, mà chỉ 2 ngày sau khi công bố kết luận, Bộ Công Thương lập tức thành lập tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Con Cưng của Cục Quản lý thị trường. Nhiệm vụ của tổ này là rà soát, đánh giá lại việc chấp hành pháp luật về hoạt động công vụ của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và các cá nhân liên quan trong chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Con Cưng; đánh giá hoạt động của Tổ công tác triển khai Quyết định số 334/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020; kiến nghị Bộ trưởng các biện pháp xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm hoạt động công vụ nếu có. Tổ công tác báo cáo Bộ trưởng kết quả kiểm tra trước 30/8/2018.

Vẫn biết việc thanh, kiểm tra chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đối với các DN là việc làm cần thiết, thường xuyên của cơ quan chức năng. Song người dân, DN kỳ vọng công tác thanh, kiểm tra phải rõ ràng, minh bạch, nếu sai phải phạt, không sai phải công bố rõ để người dân yên tâm sử dụng, DN yên tâm bán hàng. Tránh như vụ việc Con Cưng, dù đã có kết luận kiểm tra, nhưng có nhiều thông tin chưa được làm rõ như: Các lỗi vi phạm xử phạt bao nhiêu tiền vì sao chưa công bố; Nếu có hiện tượng gây phiền hà và ảnh hưởng cho DN thì có xử lý cán bộ có liên quan hay không…?