Trước đó, phát biểu chỉ đạo trong phiên giải trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 4/5/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, khi đó là Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, đã đề nghị nhận diện thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước. Đề nghị này đặt ra trong bối cảnh Bộ Công Thương và Bộ Y tế vẫn chưa đạt được thống nhất trong quan điểm về thiết kế chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Xem xét cơ sở khoa học từ các quốc gia phát triển trên thế giới
Trả lời về đề xuất thí điểm đưa thuốc lá mới vào quản lý như đối với thuốc lá thông thường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ đưa ra đề xuất trên tinh thần hướng đến quản lý xã hội một cách tốt nhất.
Các báo cáo gần đây của cơ quan chức năng đã chỉ rõ cơ chế vận hành và thành phần có trong thuốc lá mới, tác hại của thuốc lá thế hệ mới, nhưng chưa xét đến các báo cáo khoa học quốc tế đã được công bố về tiềm năng giảm thiểu rủi ro so với thuốc lá điếu truyền thống. Do đó, để đưa ra các quyết định đúng đắn nhất, cần có báo cáo đánh giá toàn diện về vấn đề này, làm rõ câu hỏi “Sử dụng thuốc lá điện tử có ít nguy hiểm hơn hút thuốc lá điếu?”.
Kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành những chính sách quản lý chặt chẽ, có cơ chế quản lý rõ ràng đối với thuốc lá điện tử, khắc phục khoảng trống về pháp lý trong lĩnh vực này, tạo cơ sở để các ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, có căn cứ pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Báo cáo “Khói thuốc lá gây bệnh như thế nào: Cơ sở sinh học và hành vi của bệnh do hút thuốc” năm 2010 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, các chất độc tạo ra trong quá trình đốt cháy thuốc lá mới là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho người dùng, còn bản thân nicotin không liên quan đến hầu hết các bệnh từ hít phải khói thuốc lá. Để ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của thuốc lá và cải thiện sức khỏe cho những người hút thuốc lá không thể hoặc không muốn cai thuốc lá, thế giới chuyển dần sang sử dụng một loại thuốc lá thay thế, ít độc hại hơn so với thuốc lá điếu. Đó là thuốc lá thế hệ mới, mà phổ biến là thuốc lá điện tử.
Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh đánh giá “sử dụng thuốc lá điện tử là ít độc hại hơn đến khoảng 95%”. Chính phủ Canada thì cho rằng “Hút thuốc lá điện tử ít có hại hơn hút thuốc lá điếu truyền thống. Việc thay thế hoàn toàn thuốc lá điếu truyền thống bằng thuốc lá điện tử sẽ giảm việc bị phơi nhiễm với các loại hóa chất có hại…”. Trong khi đó theo Bộ Y tế New Zealand: “Thuốc lá điện tử là một giải pháp cai thuốc lá bằng cách tiếp nhận nicotine với ít chất độc hại hơn thuốc lá truyền thống”.
Các tổ chức uy tín cũng có các công bố về tiềm năng giảm tác hại của thuốc lá điện tử. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhận định “Chúng tôi thấy được khả năng thuốc lá điện tử, có thể trở thành lựa chọn thay thế có tiềm năng ít gây hại hơn cho những người trưởng thành nghiện hút thuốc lá”.
Trong khi đó, theo Văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Châu Âu: “Việc thay thế toàn bộ thuốc lá điếu truyền thống bằng sản phẩm điện tử giúp người sử dụng giảm việc bị phơi nhiễm với nhiều chất độc hại và chất gây ung thư trong thuốc lá truyền thống”. Hiệp hội Bác sĩ Y tế Công cộng Hoa Kỳ thì cho rằng: “Các sản phẩm thuốc lá không khói/nicotin, đang hiện hữu tại thị trường Hoa Kỳ, dù không hoàn toàn không có rủi ro nhưng mang nguy cơ tử vong ít hơn đáng kể và dễ dàng từ bỏ hơn thuốc lá truyền thống, các sản phẩm này bao gồm thuốc lá điện tử…”.
Con đường để trở thành quốc gia không khói thuốc
Một số quốc gia đã coi thuốc lá thế hệ mới, nhất là thuốc lá điện tử như là một phần trong chiến lược giảm thiểu tác hại thuốc lá truyền thống và đưa ra những giải pháp quản lý và điều tiết hành vi người dùng với thuốc lá truyền thống. Điển hình, Chính phủ Anh đã chính thức công nhận các sản phẩm thuốc lá điện tử có vai trò trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc, cai thuốc lá và giảm thiểu tác hại thuốc lá. Vì thế năm 2024, một chiến dịch quốc gia đã diễn ra với tên gọi “Swap to Stop” (chuyển đổi để cai thuốc lá), Chính phủ cung cấp 1 triệu kit thuốc lá điện tử miễn phí cho người hút thuốc lá ở Anh để khuyến khích họ chuyển từ thuốc lá truyền thống sang sử dụng thuốc lá điện tử và tiến tới cai thuốc lá. Gần 1/5 số người hút thuốc ở Anh sẽ được cung cấp bộ sản phẩm thuốc lá điện tử cùng với hỗ trợ hành vi để giúp họ từ bỏ thói quen hút thuốc, nhằm giúp chính phủ Anh thực hiện tham vọng trở thành quốc gia không khói thuốc vào năm 2030, giảm tỷ lệ hút thuốc xuống 5% hoặc ít hơn.
Theo một nghiên cứu mới đây vào tháng 2/2024 từ tạp chí y học uy tín hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine, các thử nghiệm được thực hiện để giải quyết câu hỏi “Nếu chuyển qua thuốc lá điện tử có giúp cho người hút thuốc cai thuốc lá hay không?”. Nghiên cứu gồm 2 nhóm: nhóm 1 sử dụng thuốc lá điện tử do nhà nghiên cứu cung cấp; nhóm 2 chỉ thực hiện tư vấn. Kết quả, tỷ lệ cai thuốc thành công trên nhóm 1 sử dụng thuốc lá điện tử là 28,9%, cao hơn 16,3% ở nhóm 2 chỉ nhận tư vấn. Nghiên cứu này khẳng định lần nữa khuyến cáo của Cơ quan Y tế Vương Quốc Anh đưa thuốc lá điện tử vào vào hỗ trợ người hút thuốc cai thuốc lá là có cơ sở khoa học.
Đầu tháng 2/2024, trong bài viết mới nhất trên tạp chí y tế hàng đầu thế giới The Lancet, hai giáo sư đồng thời nguyên là lãnh đạo của WHO, Robert Beaglehole và Ruth Bonita, đã đánh giá: “Việc phản đối các sản phẩm thuốc lá giảm tác hại (thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng) của WHO là không có cơ sở, đồng thời còn bị tác động quá mức từ những người chỉ chấp nhận cai hoàn toàn nicotine.
Rõ ràng, các nước trên thế giới đã nhìn nhận tích cực hơn về vai trò của thuốc lá thế hệ mới trong việc giảm tác hại của thuốc lá. Tại Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10) vừa tổ chức từ ngày 5 - 10/2/2024, các chuyên gia kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá công tâm về những dữ liệu này. Đại biểu các quốc gia cũng đồng ý thành lập nhóm chuyên trách để tiếp tục xem xét, đánh giá và đưa ra khuyến nghị thích hợp vào kỳ họp COP11 (dự kiến sau 2 năm) đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng thay vì đưa ra kết luận tại kỳ họp năm nay.
Trước những bằng chứng, dữ liệu khoa học về thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng từ những tổ chức y tế uy tín và các chính phủ trên thế giới, các cơ quan hoạch định chính sách tại Việt Nam cần tham khảo thông tin đa chiều, toàn diện về sản phẩm, thực trạng thị trường cũng như các kinh nghiệm quản lý thuốc lá thế hệ mới trên thế giới… Từ đó có thể xây dựng một chính sách quản lý hiệu quả cho cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu tác hại thuốc lá, đảm bảo trật tự kinh doanh và tăng nguồn thu ngân sách từ thuế.
Cần thiết có sự nghiên cứu, công nhận, công bố chính thức của các cơ quan chức năng về quản lý Nhà nước liên quan đến thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Cần có đầy đủ thông tin khoa học, dựa trên những công bố chính thức, những nghiên cứu cụ thể, thậm chí là pháp lý và thực tiễn kinh nghiệm của quốc tế để có cách ứng xử đúng với những loại thuốc lá này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ