Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần đề xuất kịp thời nguyện vọng chính đáng của người lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ngày 9/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN).

Đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp đạt những kết quả quan trọng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết, tình hình việc làm, thu nhập của người lao động đã có bước cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm như mức lương tối thiểu vùng vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động; số lượng DN gặp khó khăn phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động vẫn ở mức cao; tình trạng DN nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT hầu như không giảm; đa số công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) vẫn phải sống trong các khu nhà trọ với điều kiện sinh hoạt, an ninh trật tự, nhà trẻ, mẫu giáo chưa được quan tâm đúng mức…
Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.
Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ có quy định ưu tiên cho người lao động tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước được mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn tại công ty đó; hỗ trợ Tổng LĐLĐVN triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các KCN, KCX…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và Tổng LĐLĐVN thực hiện khá tốt Quy chế phối hợp trong năm qua. Vì vậy, đã khuyến khích và đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc cho công nhân, góp phần vào việc giữ vững ổn định, trật tự xã hội. Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai tích cực các nội dung phối hợp giữa hai bên, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Bày tỏ sự băn khoăn về việc một số thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ cho con em công nhân ở nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu, Thủ tướng cho rằng tình trạng công nhân chưa có chỗ sinh hoạt tối thiểu về văn hóa còn diễn ra ở nhiều, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn lớn. Từ vấn đề trên, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Tổng Liên đoàn về việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…).

Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở 15 địa phương trọng điểm; giao Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ về đất đai; hỗ trợ về thuế; huy động kinh phí từ các nguồn để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tham gia xây dựng nhà ở tập thể, nhà giá rẻ cho công nhân, trước hết, triển khai tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, TPHCM....

Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình dự thảo Luật tiền lương tối thiểu để Chính phủ trình Quốc hội đề nghị sớm đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp gần nhất. Đối với xác định lộ trình tiền lương tối thiểu, theo quy định tại Điều 91-Bộ Luật lao động, thì việc điều chỉnh tiền lương hàng năm phụ thuộc vào GDP, CPI và tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, hiện nay việc xác định lộ trình tiền lương tối thiểu vẫn đang tích cực nghiên cứu triển khai.

Cho rằng Tổng LĐLĐVN cần chủ động đề xuất kịp thời các nguyện vọng chính đáng của người lao động để Chính phủ có biện pháp giải quyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các tổ chức công đoàn cần quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân để có năng suất lao động tốt hơn, từ đó, có thu nhập cao hơn; tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và động viên công nhân, viên chức, người lao động thi đua lao động, sản xuất, tạo ra một khí thế lao động mới, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng đổi mới phương thức quản lý, điều hành tổ chức công đoàn...

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trước cuộc làm việc này, được sự chỉ đạo của Thủ tướng, ông đã đi khảo sát đời sống công nhân tại một số khu công nghiệp ở các địa phương. Theo Phó Thủ tướng, ở không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì nhiều công nhân phản ánh không thấy rõ sự hiện diện hàng ngày của công đoàn bên cạnh họ. Với việc Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn (trước đó là Tổ chức Bảo hiểm Xã hội) thì vai trò của công đoàn đã khác trước. Phó Thủ tướng cho rằng, phải củng cố kiện toàn bộ máy theo dõi tình hình doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi nước ta tham gia TPP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề tổ chức công đoàn phải đổi mới bộ máy tổ chức, hiệu quả hoạt động để có thể “gắn bó máu thịt với công nhân”. “Phải giải quyết hài hòa bài toán giữa tiền lương tối thiểu và năng suất lao động, đây là căn nguyên cho sự phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Về góc độ đối ngoại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết còn có “khoảng trống” trong hoạt động công đoàn là việc bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam ở nước ngoài khi hiện nay, chủ yếu vẫn do các cơ quan của Chính phủ như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán thực hiện trong trường hợp người lao động gặp vấn đề nào đó; mong muốn Tổng Liên đoàn LĐVN phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, chỉnh sửa các chính sách, thể chế phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam gia nhập, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.