Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần đi vào thực chất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ hội việc làm cho người khuyết tật vốn đã không nhiều, thế nhưng ngay cả khi các doanh nghiệp mở cửa tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc thì sức khỏe, trình độ của họ cũng chưa hẳn có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra.

Nhằm tạo thêm những cơ hội việc làm cho người khuyết tật, Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội đã phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Hà Nội tổ chức Ngày hội việc làm cho người khuyết tật lần thứ III- năm 2014 vào ngày 17/4.

Chương trình này đã thu hút gần 30 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề khoảng 500 người. Các sản phẩm của các cơ sở sản xuất của người khuyết tật cũng được quảng bá và giới thiệu tại ngày hội việc làm.

 
Người khuyết tật được tư vấn việc làm. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Người khuyết tật được tư vấn việc làm. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Trong những năm gần đây, ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật đã được thực hiện ngày càng nhiều. Thế nhưng số lượng người khuyết tật được tuyển dụng vẫn còn ít. Nguyên nhân chủ yếu là do người khuyết tật chưa đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp.

Tại ngày hội việc làm lần này, bàn tư vấn của “Dự án Mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật” là nơi thu hút sự tham gia của nhiều người khuyết tật.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chuyên viên tư vấn lao động của dự án cho biết, dự án hỗ trợ giúp người khuyết tật trang bị những kỹ năng cần thiết trước khi tham gia vào thị trường lao động. Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 120 người khuyết tật.

Nhận xét về tỷ lệ người khuyết tật tìm được việc làm chưa cao, bà Nguyễn Thị Kim Oanh thừa nhận, mặc dù thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật nhưng hầu như các chỉ tiêu tuyển dụng của doanh nghiệp đều không đạt được 100%.

“Có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tuyển lao động khuyết tật nhưng chúng tôi rất khó tìm được người lao động khuyết tật đáp ứng được yêu cầu để giới thiệu cho doanh nghiệp. Thực tế, số lượng người khuyết tật có khả năng lao động, có trình độ chưa nhiều,” bà Nguyễn Thị Kim Oanh nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật Nam Từ Liêm (Hà Nội) lại cho rằng, các doanh nghiệp khi tuyển dụng người khuyết tật cần phải có các tiêu chí phù hợp với khả năng của người khuyết tật.

“Nhiều doanh nghiệp thông báo tuyển dụng người khuyết tật, nhưng các tiêu chí về tuổi lao động, về trình độ, năng lực quá cao trong khi đa số người khuyết tật sẽ không đạt được, như vậy sẽ trở thành hành động đánh bóng thương hiệu cho doanh nghiệp chứ thực chất không hề tạo việc làm cho người khuyết tật,” ông Nguyễn Văn Hải nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, thực tế những người khuyết tật làm các công việc lao động phổ thông là những người thường xuyên thay đổi nơi làm việc nhất. Đối với lao động có trình độ, công việc của họ thường ổn định hơn trong những nơi môi trường làm việc tốt. Chính vì vậy, cơ chế đào tạo cho người khuyết tật cần phải được thay đổi sao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và khả năng của người khuyết tật.